Xứ Định Tường Mỹ Tho nằm dọc sát rạt bên bờ con sông Tiền nên người Mỹ Tho da trắng bóc như trứng gà. Nội cái tên Mỹ Tho cũng có ý nghĩa rồi, Mỹ Tho là phiên âm của tiếng Khmer Miso (srock mé sa mi so), nghĩa là xứ có người con gái có nước da trắng hay xứ Bà Trắng cũng là nó.
“Định Tường danh tiếng ăn chơi
Ruộng vườn phi mỹ rạng ngời thủy sơn”
Hồi thế kỷ 17-18, Mỹ Tho đại phố là một trong những ba trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhứt Nam Kỳ (Cùng với Cù Lao Phố Biên Hòa và Hà Tiên) .Lúc này Gia Định chưa có vai trò gì
Mỹ Tho được khai phá sớm ở Nam Kỳ, chợ Mỹ Tho có thời nhộn nhịp hơn chợ Bến Thành, Mỹ Tho có cầu tàu lục tỉnh, ga xe lửa .
Mỹ Tho là cái xứ trung tâm nằm dựa vào một bên Sông Tiền phì nhiêu miền châu thổ, nó là thành phố dẫn vào khu vực Miền Tây của Lục Tỉnh Nam Kỳ xưa.
Mỹ Tho xứ Định Tường cách Sài Gòn 71 km
Mỹ Tho là thành phố vườn 100%, mé quá Thạnh Trị, Gò Cát, Mỹ Phong vòng qua Tân Mỹ Chánh, quẹo ngược qua Thanh Bình, Lương Phú, Bến Tranh cũng vườn. Vườn tược vẫn rậm rì xanh ngắt do phù sa Tiền Giang, Bảo Định nuôi nấng.
Mé sông sát chợ Mỹ vẫn có cảnh ghe tàu chạy tành tạch, tành tạch để chứng minh rằng đây là xứ sông nước.
Mỹ Tho cái gì cũng có.
Chùa có Vĩnh Tràng là danh tiếng, đình thì có Điều Hòa rất sang chảnh và giàu có. Có chùa Chà Hồi Giáo, nhưng nó nằm trong vị trí hơi hẻo.
Mỹ Tho có một cái nhà thờ nằm ngay mặt tiền khu trung tâm ngay đại lộ rộng nhứt Mỹ Tho và ai cũng biết, đi xa nhớ, đi về phải ghé thăm, lữ khách chụp hình lưu niệm, đó là nhà thờ chánh tòa Mỹ Tho. Có thể nói, đây là một kiến trúc tiêu biểu, là một dấu ấn tại Mỹ Tho xưa
Các bạn biết là Mỹ Tho là nơi có cộng đồng Công Giáo bản xứ thuộc dạng lâu năm ở Nam Kỳ chúng ta. Cái mốc năm 1862 được tính cho lịch sử CG Mỹ Tho.
Nhà thờ Mỹ Tho xây năm 1906 tại vị trí hiện tại sau khi qua hai nhà thờ cũ ở hai vị trí khác nhau.
Với chiều cao 24m, dài 53m, rộng 17m thì nhà thờ Mỹ Tho là một ngôi giáo đường có tầm vóc nhỏ chứ không lớn. Dù nhỏ nhưng nó có kiến trúc khá đẹp và không lẫn lộn với bất cứ ngôi giáo đường nào khác.
Tháp chuông và tiếng chuông ngân nga của nhà thờ chánh toà thân quen, quấn quýt, lan truyền ra khắp phố phường miền châu thổ. Tiếng chuông mênh mang đánh đi thật xa vang vọng rồi mất hút giữa không gian gió lộng.
Mỹ Tho có khu Giếng Nước, bến vàm Lạc Hồng, cầu Quay, chợ Vòng Nhỏ, chợ Hàng Bông, khu Hàng Còng, , hí viện Vĩnh Tường.
Mỹ Tho là đô thành của hủ tíu, sáng bạn ăn hủ tíu Mỹ Tho hải sản, trưa ăn hủ tíu bò viên, tối ăn hủ tíu sa tế, còn muốn lưng lửng bụng thì đi ăn hủ tíu chay.
Cọng hủ tíu Mỹ Tho là hủ tíu dai, mặc dù xứ này vẫn có sợi mềm
Tức là từ cọng hủ tíu mềm, người Mỹ Tho đã chế biến ra thành sợi hủ tíu dai, sợi dai là của người Việt, đặc trưng Việt, người Việt thích ăn nhứt.
Thành ra quán hủ tíu Mỹ Tho ngày nay phải có cọng hủ tíu dai kiểu Mỹ Tho.
Cũng nói luôn,người Mỹ Tho hầu như ít ăn hủ tíu giò heo, họ chỉ xắt xá xíu , sườn và lòng heo vô thôi.
Mỹ Tho là đô thị duy nhứt ở Miền Nam sau 1975 vẫn còn những con đường mang tên Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh.
Tượng đài vinh danh anh hùng của tỉnh Định Tường ở vàm Mỹ Tho là của Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân một anh hùng chống Pháp bổn địa của tỉnh.
Mỹ Tho vẫn giữ những cái còn lại duy nhứt mà các tỉnh khác chung quanh không còn,tỷ dụ như nữ sinh cấp hai của xứ này vẫn áo dài trắng quần đen tới trường từ lớp 6.
Tại Mỹ Tho có đường Lê Thị Phỉ ơ bên hông chợ Hàng Bông để tri ơn Cô Năm Phỉ, người nghệ sĩ cải lương tiền bối làm cho Mỹ Tho vang danh một thời.
Nên nhớ dàn đào nổi tiếng cái thuở ban đầu của cải lương Nam Kỳ đều là dân Mỹ Tho như Năm Phỉ , Phùng Há, Tư Sạng…
“Nước chảy re re con cá he nó xoè đuôi phụng
Cả tỉnh Mỹ này anh đành bụng có một mình em”
Người Mỹ Tho thân thiện, cởi mở.
Người Nam Kỳ diễn tả đờn bà đep xưa rất đơn giản:
“Thấy cô nhỏ thó lại có hường nhan
Chưn mày lan con mắt lộ
Đất Lục Tỉnh này ai ngộ bằng cô”
Người đẹp Mỹ Tho cỡ nào ? có lẽ chắc cũng cỡ như bà Mai Anh –người mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cưới làm vợ. Nói đẹp không đẹp, nhưng nhìn mướt rượt có duyên, ngộ ngộ, nhơn hậu.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh là đệ nhứt phu nhân của VNCH có tên tục là Cô Bảy Mỹ Tho sanh ra trong một gia đình Công Giáo Nam Kỳ làm nghề thuốc bắc ở Mỹ Tho, nhà ngay Giếng Nước.
Bà Mai Anh không đẹp, nhưng bà rất khéo léo, ý tứ và ẻo lả kiểu con gái Nam Kỳ xưa. Nhìn hình coi bà vô cùng ý tứ.
Riêng chút tình vương vấn!
Có hai nơi tôi không bao giờ quên trong cuộc đời, là Sài Gòn và Mỹ Tho.
Thương nhớ Mỹ Tho vì nơi đó có rất nhiều kỷ niệm đẹp, có hình bóng yêu thương tràn trề qua năm tháng.
Bước qua những con đường ngoắt ngoéo từ Mỹ Phong qua Chợ Cũ về Cầu Quay, chợ Mỹ, qua Giếng Nước về Vòng Nhỏ, Hùng Vương, Trưng Trắc , Lạc Hồng.
Ai từng ngồi chờ ai ở cửa sau trường Nguyễn Đình Chiểu? Ai từng lòng vòng bên Bến Trưng Trắc chiều Tết gió hây hây? Ai từng nhiều đêm thao thức nghe tiếng ghe máy tành tạch ngoài vàm?
Ngẫm về xứ Mỹ đôi lúc thảng thốt mà giựt mình cái đụi, có lẽ quá nhanh, thời gian tên bắn. Lòng ta bổi hổi bồi hồi, phố xá, đường lộ vẫn còn đây, những quán ăn cũ vẫn còn đây, gió Mỹ vẫn còn đây mà người thì ai còn ai mất
“Hò ơ….hò!
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu”
Mình tôi sẽ ôm mãi Mỹ Tho của tôi vào tâm khảm, Mỹ Tho của tôi ngàn lần tươi trẻ giữa đất trời Nam Kỳ Lục Tỉnh.
“Hò ơ…!
Chẻ tre bện sáo cho dầy.
Chận ngang sông Mỹ có ngày gặp em.”
Mỹ Tho là hơi thở của tôi, là niềm vui của tôi, vì nơi đó vẫn có một người chờ tôi trở về.