Đức trẻ biết so đũa và cầm đũa là đã khôn

Khi đứa trẻ sanh ra đời, khi lớn lên phải tập đi, tập nói, tập chào hỏi. Chừng ba tuổi phải tập cầm đũa khi ăn cơm, người Miền Nam chúng ta kêu là và đũa.

Ăn bún, ăn mì, ăn hủ tíu phải cầm đũa, mà ăn cơm gắp đồ ăn cũng phải xài đũa. Cầm đôi đũa phải biết sắp đũa ngay ngắn, đũa không lệch hai đầu, không so le, khéo léo gắp đồ ăn và đưa lên miệng

Có một câu chuyện kể dân gian mà người Nam Kỳ hay kể, nhân vật chánh về Tả Quân Lê Văn Duyệt, chuyện kể rằng:

“Một ngày kia Ông bắt gặp một đứa trẻ khoảng 6 tuổi đang đứng trước nhà quay mặt vào chửi cha mắng mẹ. Ông liền sai quân bắt về dinh, đến bữa cơm Ông sai người dọn cho đứa bé một bữa ăn với 2 chiếc đũa ngược đầu nhau, đứa trẻ cầm đũa lên và tự động quay 1 chiếc đũa lại cho đều rồi và cơm mà ăn. Sau đó Ông phán rằng đứa bé này đã biết phân biệt như vậy thì phải biết phải trái, thế mà lại bất hiếu bất kính với cha mẹ, truyền quân đem ra chém đầu răn chúng. Từ đó trẻ con nghe không ngoan nghe người lớn dọa tên Ông là phát sợ.”

Đây giai thoại giáo dục và răn đe, thực tế chắc không có.

Nhưng so đũa ngay ngắn là một cái điệu nghệ và lịch sự của người Miền Nam. Các bạn có biết vì sao có bông so đũa và cây so đũa để nấu canh chua không? Cây so đũa mọc thẳng băng, suông đuộc như chiếc đũa, mọc ngay hàng không lệch thì kêu là so đũa.

Các bạn có bao giờ thắc mắc vì sao trong cúng tế, người Việt luôn phải cúng bằng đũa không? Người Nam Kỳ cúng cơm người mới chết là ba chén cơm trắng. Chén giữa bới đầy là giành cho người vừa chết, có đôi đũa cắm thẳng xuống. Hai chén kế bên bới lưng cơm cắm chỉ một chiếc đũa là cúng cho hai con kem, tức hai bên vai giác, những người hầu cận vong linh nó ăn. Nếu chén cơm hai bên để mỗi chén một đôi đũa thì các cô hồn, ma cũ sẽ đến giành giựt, người mới chết – vong mới không ăn được

Con cháu cố tình bới chén giữa đầy, có đôi đũa, hai chén bên lưng có một chiếc đũa là làm cho kem nó ăn chậm, tránh cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới” ức hiếp ông bà mình.

Theo tục lệ, ngày giỗ là ngày nhớ người đã khuất. Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của người khuất thì con cháu sẽ tụ họp xôm tụ lại, từ tứ phương đều trở về nhà làm đám giỗ cho nên người xưa thường trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ.

Nam Kỳ mình chỉ cúng có 4 đời, làm đám giỗ lớn đời thứ nhứt và thứ hai, qua tới đời thứ 3 là cúng gọn nhẹ.

“Hôm nay có đám giỗ gần

Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”

Trong tất cả mâm cúng đều bày đũa ra, thiếu đôi đua ông bà lơn tuổi sẽ rầy con cháu

Trong tất cả mâm cơm gia đình người Việt đều xài đũa

Trong văn minh nhơn loại,với cái muỗng nĩa dao của Tây, thói ăn bốc của Ấn Độ thì đôi đũa tre của Việt Nam nhìn rất lãng mạng

Đũa không thể thiếu trong bữa, trong tiệc tùng quan hôn tang tế, đặc biệt ăn món nước như hủ tíu, mì, bún thì phải xài đũa, dân Ý xưa chôm mì của Tàu nhưng lại… ăn nĩa

Đôi đũa xuất phát từ dân tộc nào? Nhiều người nói là từ người Tàu. Tuy nhiên nhìn và soi kỹ văn minh Tàu, ta thấy người Huê Hạ xưa là du mục, ẩm thực thiên về lúa mì-tức là xay ra bột làm bánh rồi bốc tay mà ăn

Cuốn” L’histoire culturelle de la Chine” nói người Tàu thời tiên Tần (trước Tần Thủy Hoàng) vẫn còn ăn bốc. Riêng dân Tàu Huê Bắc – ăn bốc là một thói quen truyền thống

Chỉ có các dân tộc Bách Việt phía Nam làm lúa nước,nấu cơm ăn thì phải xài đũa và vô miệng, cây tre ở xứ Nam đã cho ra đôi đũa tre huyền thoại. Tàu bắt chước mà ra

Hồi xưa khi Tây mới qua họ nhìn người Á như là làm xiếc với đôi đũa

Tây cũng bắt chước làm nhưng không được. Ngày nay- hiện đại nghe nói trong bếp của người Mỹ luôn có một bó đũa

Đũa một cặp thể hiệm âm dương, đực cái trong văn hóa

“Đôi ta như đũa trong kho

Không tề, không tiện, không so cũng bằng”

Dân gian gọi những thứ tréo ngoe, ví như vợ cao chồng lùn là “đôi đũa lệch“, kêu người nghèo mà dụ vợ chồng giàu là “đũa mốc mà chòi mâm son”…

“Đũa vàng dộng xuống mâm sơn

Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng”

Đôi đũa hình thành ra quy tắc xử sự trong văn hóa ẩm thực. Dâu về nhà chồng khi dọn cơm phải đặt đũa ngay thẳng, đầu đũa phải bằng,không được để lệch cao thấp, không được lộn ngược đầu hai chiếc đũa

Khi ăn phải chờ người lớn tuổi cầm đũa trước

Người Nam Kỳ nói riêng và VN nói chung kỵ những cái sau trong bữa ăn:

  • Cắm đũa thẳng đứng trên chén cơm vì cái này chỉ để cúng người đã chết
  • Không trở đũa để chỉ vào người. Cái này là mất dạy
  • Không dùng đũa gõ chén, gõ tô. Gõ là kêu ma về, cũng mất lịch sự
  • Không xài đũa của mình đang ăn gắp và nhúng trong tô canh lớn xài chung. Phải trở đầu đũa hoặc tốt nhứt lấy đũa mới mà gắp
  • Không lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người khác
  • Khi gắp đồ ăn, tránh đụng đũa kêu chan chát
  • Không dùng đủa để xỉa đồ ăn như nĩa

Rồi khi cúng cũng có nguyên tắc, phải đặt đũa ngay ngắn ở mặt bàn sát bên cái chén, không được đặt trên cái chén

Tây ăn thì múc riêng ra cho từng người trong dĩa của họ, nhưng An Nam ta có thói quen ăn chung mâm, uống chung ly rượu mới “thân tình”. Thành ra chuyện đũa của chủ nhà gắp đồ ăn cho khách lùm lum khó tránh. Tây nó viết rằng một tô canh của An Nam có hàng chục đôi đũa nhún vô, thành ra về nhà bên vợ thằng rễ Tây không dám ăn. Người VN sau 1975 ở dơ, mất vệ sinh trầm trọng.

Xin nhắc tới một cái nữa, động từ ”trả đũa” là đáp trả lại, trả thù lại, ăn miếng trả miếng cho sòng phẳng đã nư hả giận. Câu “trả đũa” xuất xứ từ một nghi lễ cưới thời xưa –khi coi vợ thì đưa chén đũa làm tin, sau không thuận thì trao trả lại

Ẩm thực Việt nói chung và Nam Kỳ nói riêng là xài đũa và muỗng nỉa. Tuy nhiên Nam Kỳ là xứ đa văn hóa, trộn lẫn giữa Chàm-Việt và Khmer, thành ra có vài món bạn phải ăn bốc. Tất nhiên ăn bằng đũa hay nỉa được, nhưng bốc ngon hơn. Thí dụ như món gà, gà luộc, gà hấp thì bốc là số dzách, xé đùi con gà chấm muối tiêu chanh ngon nhứt trần gian, gà chiên cũng bốc. Tỷ như món cuốn mà rau rừng nhiều như gỏi cuốn thì vừa cuốn vừa chấm mới ngon, rồi bánh xèo, bánh khọt cũng phải bốc mà cuốn rồi chấm đưa vô miệng.

Phần đông các món cuốn trong Nam 100% là phải bốc. Ăn khô cũng phải bốc, Nam kỳ là xứ của khô, đặc biệt khô nướng là phải bốc mà ăn mới ngon, ăn ốc cũng phải bốc. Ăn bánh ít, bánh tét, bánh bò, bánh quy… cũng phải bốc mới ngon.

Ăn hải sản cũng nên bốc mới ngon, thí dụ tay cầm con cua con ghẹ mà bẻ nó ra chấm miếng muối tiêu cho vô miệng thì sướng điếng chứ hổng chơi.

Kêu là bốc lủm cũng vậy.

Nguyễn Gia Việt