Nhà thương thí

Người Nam Kỳ chúng ta có một từ rất nhơn ái khi nói về trị bịnh, đó là nhà thương, kêu cái ông làm nghề cứu người bằng y thuật là ông thầy thuốc

Thời Nguyễn, Nam Kỳ ta mà bịnh hoạn thì chỉ có đông y, toàn là thầy lang, y sĩ, thầy thuốc, các thầy thường kê toa bắt mạch tại nhà riêng hoặc tới tận nhà thân chủ

Người Tàu ở Nam Kỳ thì có những tiệm thuốc bắc riêng hay bắt đầu bằng chữ Đường như Thiên Địa Đường, Nhị Thiên Đường..

Khi Pháp qua Nam Kỳ năm 1859 thì người Nam Kỳ mới biết tới Tây Y, thuốc viên gọi là thuốc tây.

Khi đó Pháp mới xây những cái trạm tập trung chữa bịnh, trị thương cho lính Pháp trước, sau trị bịnh cho dân, có thể kể ra đó là Hôpital militaire của quân đội Pháp, thành lập đầu tiên từ năm 1862.

Lúc này các y tá và điều dưỡng đều là các Soeur bên Công Giáo coi sóc. Người Nam Kỳ kêu các Soeur là Bà Phước vì các vị này rất hiền lành, nhơn từ, không chồng con, cả đời phục vụ cho đạo, cho xã hội.

Người Nam Kỳ dịch chữ Hôpital thành Nhà Thương vì trong này có nhiều bà phước coi sóc, trà ngập lòng yêu thương của những người coi bịnh, khi mà người bịnh bức rức trong lòng họ cần tình thương thì sự xoa dịu tinh thần của các đốc tờ, y tá và các Soeur là liều thuốc an lành

Như đã nói, rốt cuộc Hôpital militaire dịch ra là nhà thương quân đội, nó là tiền thân của nhà thương Grall, dân gian kêu nhà thương Đồn Đất

Sau đó có nhà thương Chợ Rẩy, nhà thương Chợ Quán, nhà thương Biên Hoà, nhà thương thí…, nhà thương Bình Dân.

Thời đó Sài Gòn phân ra, có nhà thương công, nhà thương tư, nhà thương của giáo hội hội đoàn

Tại nhà thương công và nhà thương của giáo hội thì rất rẻ chi phí, còn có nhà thương thí tức là vô không tốn cắc bạc nào dành cho dân nghèo

Nhà thương thí cũng có tên là dưỡng đường công lập

Ít ai biết bảo sanh viện Từ Dũ xưa là nhà thương thí do chú Hỏa xây tặng

Dần dà chẳng biết chữ “Bịnh viện” ra đời khi nào, nhưng nhà thương có trước bịnh viện, dân Nam Kỳ vẫn kêu bịnh viện là nhà thương

Người già Miền Nam vẫn quen miêng với nhà thương, kiểu:

-Ngoại mới đi đâu về hả ngoại?
-Ngoại mới đi nhà thương Chợ Rẩy trị cái cẳng bị đau con ơi!

Năm 1954 người Bắc di cư vô Nam và từ đó xuất hiện chữ bịnh viện

Nhà thương thí là một dạng nhà thương rất đặc biệt của Miền Nam chúng ta

Nói chung trước 1975 y tế Miền Nam rất nhơn văn, khi bị bịnh cấp cứu thì bác sĩ ưu tiên cứu người trước rồi mới nói tới viện phí sau, dân quá nghèo thì có nhà thương thí

Sài Gòn trước 1975 có một số bịnh viện được thâu phí điều trị. Nhưng thực chất thì chi phí thâu vào cũng không bù được với những ngân khoản chánh phủ đã bỏ ra. Người dân đóng phí chỉ có tính tượng trưng

Nhà thương là văn minh, nhà thương thí lại là nhơn văn tràn đầy. Người dân Miền Nam dù nghèo nhưng vẫn được chăm sóc y yế miễn phí, được dạy về sạch sẽ, vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ của mình

Văn minh con người là có chữ viết, học hành đàng hoàng để biết cư xử, biết đó biết đây, biết khoa học, biết mọi thứ. Rồi ăn chín uống sôi, cắt tóc ngắn, cắt móng tay dài, đi giày dép, biết xài xà bông rửa tay, đẻ hay có đau bịnh phải đi nhà thương cho đốc tờ chẩn bịnh

Nhà thương thí là văn minh của Miền Nam một thời mà sau 1975 không còn nữa.

Sau cái mốc 1975 Miền Nam bị mất mát rất nhiều thứ, mà trong đó toàn những thứ văn minh và nhơn văn mới đáng tiếc.