Nhớ hồi đó, mỗi khi đi học về là hay lục lội cái gạc măng rê. Lục tìm đồ ăn vì đói bụng quá, kiếm thế nào cũng có, miếng mít nghệ, vài ba cái bánh cam bánh còng mẹ mua nhét trong đó. Còn không có bánh trái thì lấy cái thố mỡ heo vừa thắng vớt miếng tớp mỡ dòn rụm chan vô tô cơm nguôi cũng xong.

Hồi đó (lại là hồi xưa), nhà nào mà không có cái gạc măng rê, tên tiếng Tây đàng hoàng, phải lục lạo trong ký ức đặng mà nhớ nó, hình dung ra nó.

Nó là garde à mange (gạc măng rê) !

Ông bà Nam Kỳ mình xưa châm tiếng Tây ro ro, xứ Nam Kỳ thuộc địa mà, bước ra đường lên xe đò là đụng “sốp phơ” nè, rồi xe “de” tới de lui nè, khi cần ngừng ở đâu thì khách nhổm dây kêu vầy “Sốp phơ ơi , stop”, nghề sốp phơ bẻ vô lăng.

Nhà tui có mấy người bà hồi đó học lớp 3 trường làng mà nói Tiếng Pháp khỏi chê. Là bonjour, pardon, merci, monsieur, madame, aurevoir. Nói không phải tục, mấy bà đi đâu mặc áo daì thì cũng phải có “Xú chiêng” hoặc “Coóc xê ” cho nó đẹp.

Mấy bà dạy, phải đọc chuẩn giọng mũi, garde à manger.

Gạc măng rê là cái tủ cây đựng đồ ăn để trong bếp, Bắc Kỳ kêu là cái chạn.

Tạo sao Nam Kỳ không phiên âm Việt mà vẫn xài đúng tên tiếng Pháp, cái gạc măng rê ? Đó là đặc tánh Miền Nam, thẳng thắn mà kêu, khỏi lòng vòng mắc mệt.

Có lẽ người Pháp đã mang cái tủ đựng đồ ăn qua Nam Kỳ, chí ít là phổ biến nó cho hợp vệ sinh khỏi ruồi muỗi, gián chuột. Nam Kỳ không thích dài dòng kêu tên, cứ kêu nguyên bổn, và từ đó thuật ngữ garde à manger thông dụng luôn.

Nam Kỳ đạp xe đạp có câu nào tiếng Việt đâu, phía trước có guy đông (guidon), có pê đan (pedale), có gạc ba ga (porte-bagages). Rồi gạc đờ bu (garde-boue) và gạc đờ sên (garde-chaine). Cái ống bơm cũng Tây rặc nhen: pompe. Khi sửa xe cũng Tây rặc, mỏ lết (molete), tuốc nơ vít ( tournevis), đinh vít (vis).

Nam Kỳ kêu khăn mu soa (mouchoir), mặc xoa rê(soirée), đứng trên ban công( balcon), ăn bánh mì ba ghét( baguette), nhét giăm bông (jambon), xúc xích (saucisse), patê (paté) rồi uống la de ( la bière ) và bia ( bière).

Gạc măng rê làm bằng cây, mặt hông và mặt tiền đóng lưới nhuyễn chừa cái cửa kéo như kiểu cửa lùa Nhựt Bổn. Cái tủ hình chữ nhựt và có 4 chưn cao tạo ra cái sàn bên dưới. Và vì đựng đồ ăn và để tránh kiến, gián trèo lên, ông bà mình đã chế ra 4 cái tô sứ đổ nước và dầu hôi kê 4 chưn của tủ, nó là gốm Lái Thiêu.

Tủ có 2 ngăn, ngăn trên có lưới bao bọc, có cái cửa kéo kiểu cửa lùa của Nhự , ngăn này cao nhứt, thường đựng đồ ăn mới nấu hoặc để qua ngày sau, còn có thêm cái thố mỡ heo cùng những thố đường, tiêu, mắm, muối. Nhét thêm bóng đèn dầu, quên kể cái nồi cơm nữa, xưa nấu củi thì xài nồi gang.

Ngăn giữa là ngăn trống thường để chén, dĩa, tô, tộ đang ăn đang xài hàng ngày. Bên hông tủ có một hàng song cây để nhét dao vào. Có treo mấy ống đũa và muỗng, nhét cái bàn nạo dừa, cái chài đăm tiêu, cái quặng lên, treo thêm cái rổ, cái sàng, cái nia.

Ngăn dưới thì bọc cây kín mít là nơi đựng chén dĩa bằng sành ,tô chén thô của Thủ Dầu Một, còn chén dĩa kiểu quý hiếm để làm đám giỗ, đám cưới thì cất vào một cái tủ khác riêng.

Trên nóc tủ thì để nồi ơ xoang chảo, mấy cái nia lớn, mấy cái thúng.

Gạc măng rê nhà giàu thì thường đựng đồ ăn đầy nhóc, toàn thịt kho nước dừa, lạp xưởng, cá ăn toàn cá ngon như cá dứa, cá sửu, cá lóc, cá trê vàng, cá úc, cá ngát.

Gạc măng rê nhà nghèo thì quanh năm suốt tháng chỉ có chao, tương, nước tương, rau luộc, dưa mắm.

Lâu lâu mới có thêm vài con tép mòng,cá hủn hỉn kho mặn với rau tập tàng.

Tuổi thơ của nhiều người lớn lên với cái gạc măng rê những ngày giỗ quảy và Tết là những dịp đồ ăn ê hề, nhét vô tủ không có hết.

Nhớ những ngày mưa dầm tháng nước tràn trề đi học về đói qua lật đật mở cửa tủ gạc măng rê mà nghe mùi thơm của nồi cá khô tộ còn nóng hổi, mùi tiêu thơm phức, mùi hành hăng hắc xộc vào mũi cay xè chảy nước miếng.

Nửa đêm đói bụng cũng lục gạc măng rê lụp cụp báo hại mấy bà già khó ngủ ban đêm tưởng mèo chột hay ăn trộm vô nhà.

Trời mưa ăn cá kho tiêu là nhức nách.

Mà chuột trèo gạc măng rê là giỏi lắm à!

Tuổi thơ của nhiều người hoài niệm với cái gạc măng rê cũng là những đêm say giấc phải choàng tỉnh dậy vì nghe tiếng chuột lục đồ ăn, ông Tý giỏi lắm, trèo sao mà chui lọt vô gạc măng rê đẩy nắp nồi nghe rang rảng, báo hại cả đêm không ngủ ngon.

Tương truyền có những đêm xuân, ăn trộm vô nhà, nó cũng lục tủ tìm đồ ăn, đói quá mà, chúi đầu vô gạc măng rê kiếm chút chút no bụng qua ngày.

Nhớ hồi đó lâu lâu má dặn canh bốn cái chưn tủ dùm má! Phải canh 4 cái cục lót chưn tủ coi nó khô nước chưa, nếu khô phải châm nước cho nó đầy, bỏ miếng dầu hôi lên cho có váng đặng phòng kiến nó bò qua .

Rất thương cái tủ gạc măng rê!

Những năm 1997 tới 2000 thì gạc măng rê biến mất hoàn toàn vì nhà xây dựng kiểu mới, cái tủ chiếm không gian lớn quá nên bị quăng bỏ, người ta bỏ đồ ăn vô tủ lạnh, còn đồ gia vị, chén tô thì nhét vô mấy cái box màu mè ở trên nhìn khá vô hồn.

Có bước qua năm tháng chất chồng mới thấy nhớ ngày xưa, thèm những gì mình không còn nữa, những gì thân quen yêu mến gần gũi, muốn quay về khoảnh khắc thương yêu đó.

Nhiều khi bâng quơ nói với mấy đứa sanh sau vầy:

“Nè tụi bây, giờ tụi bây đi đâu cũng đụng đồ nhựa, đồ mủ, xưa xài toàn đồ nhôm, đồ sành, đồ cây nó an toàn và có hồn lắm”

Nó trợn mắt “Dzậy hả anh? mà xưa em chưa đẻ ra mừ!”

Có thể nói, mấy đứa sau này thiệt thòi, thời hiện đại cái gì cũng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt. Kêu ngồi thử giặt hai cái áo bằng tay nó khóc rột rẹt như phi tần bị đày đi viễn xứ vậy.

Lâu lâu đi xa xa, phát hiện nhà ai đó cònxài gạc măng rê thì ai cũng la lên “Trời ơi nhà mày còn hen!” rồi xúm lại cái tủ như gặp lại người quen cũ trăm năm lưu lạc mới về.

Cũng như chén đá, chén sành ,những ai xuất thân con nhà nghèo mà bây giờ đi quán ăn,nhà hàng gặp lại thì mừng rơn, quắn đít như hồi con nít, ăn mà hít hà, mà khắc khoải như thuở hồi xưa.

Rất thương, rất nhớ nó, vì nó đã là kỷ niệm.

Gạc măng rê thân yêu.

Nguyễn Gia Việt.