Mâm cơm cúng ngoại

Khi người Miền Nam nói mần mâm cơm cúng ông bà thì cũng có chuyện để chúng ta bàn. Thường là làm một mâm cúng trên bàn thờ, ba món cũng mâm mà bảy món cũng mâm.

Mâm là một dụng cụ hình tròn, dẹp để đựng đồ ăn. Khi ăn người Bắc hay dọn lên cái mâm này.

Có 2 loại mâm, mâm cao có chưn và mâm trệt không chưn. Trong văn hóa Bắc Kỳ thì mâm là thứ trang trọng trong ẩm thực .

Thành ngữ “Đũa mốc mà chòi mâm son” làm nhiều người khóc hận , rồi câu” Tham bát bỏ mâm” nói tới sự phũ phàng trong nhơn cách , ”Ăn hết mâm trong ra mâm ngoài” là ham ăn hốt uống.

Dân gian có câu “Mâm cao, cỗ đầy”để chỉ sự sung túc của gia đình khi cúng tế mà đồ ăn trên măm ê hề. Có câu thành ngữ : Sống thì chẳng cho ăn nào, chết thì cúng giỗ mâm cao cỗ đầy.

Người Bắc cúng tế xài mâm, tiệc tùng cũng xài mâm, ăn cơm hàng ngày cũng dọn mâm. Mà tiệc tùng dọn lên cho các quan, bậc bề trên, ông bà cha mẹ cũng phải dọn bằng mâm.

Nhà nghèo có mâm bằng cây, ví như gỗ mít, nhà trung lưu có mâm đồng, nhà giàu có mâm bạc, mâm vàng.

Trong “Đò dọc” ông Bình-nguyên Lộc có lý giải cái mâm như sau:

”Hoa bưng vào phòng bịnh một chiếc mâm gỗ mít tròn, mượn của hàng xóm. Các gia đình miền Nam ở chợ không dùng mâm nữa từ mấy mươi năm nay rồi, nên Thái huyên trang có cần đến món đồ ấy là phải đi mượn”

Cái mâm đi vô Nam Kỳ và nó cũng tạo ảnh hưởng, chí ít là cái gì cũng tính mâm. Nhưng cái mâm Miền Nam khác mâm Miền Bắc.

Thí dụ như nói: “Má làm mâm cơm cúng ông bà cho 2 đứa bây ra mắt họ hàng nha?” thì hiểu là làm sơ sơ cũng ba bốn mâm chứ không chỉ một. Mà mâm của Miền Nam là một cái bàn tròn.

Coi phim Việt Nam thấy phim của VTV ở Miền Bắc hay có đám cưới, khách ngồi ăn trong phạm vi cái mâm nhôm, dọn lên nghe lách cách. Đám cưới Miền Nam thì dọn bàn tròn và có năm sáu món.

Cái chữ mâm cũng hiện diện trong nhiều nghi lễ của Miền Nam.

Đám cưới hồi xưa có mâm trầu, mâm rượu và mâm các thứ gọi là đồ lễ, để hết lên mâm và phủ vải đỏ lên, lúc đó chưa có mấy cái quả tròn có nắp đậy như ngày nay.

“Mâm trầu, hũ rượu đàng hoàng

Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng thì xong”

Và:

“Gió đưa bông cúc bông cà

Gió đưa chị Bảy về nhà anh Ba

Anh Ba đi cưới chị Ba

Mâm trầu hũ rượu hết ba quan tiền”

Tết chưng trái cây gọi là “mâm ngũ quả”. Thực tế có mâm nào, chưng trái cây trên dĩa bàn thang.

Người Nam Kỳ có thói quen cúng bằng mâm, chẳng hạn đám giỗ, mỗi bàn thờ cúng “một mâm”, tức là dọn cúng gồm một mâm trên bàn thờ, một mâm “trong nhà, trong cửa”, một mâm ở ngoài sân.

Mâm Miền Nam là một bàn tròn, không dọn cái mâm nhỏ ra. Cúng kiếng xong, dọn thành hai mâm bàn tròn, đàn ông một mâm và đàn bà một mâm. Thì đó, mâm là một bàn.

Dân Nam Kỳ có thói quen đãi mà tính mâm, đám giỗ 5 mâm, rồi đám cưới cũng tính mâm, có đám 10 mâm, có đám 20 mâm.

Người Nam Kỳ có thói quen đàn bà lót chiếu ngồi ăn trên bộ ngựa, xếp bằng ăn và lên bàn.

Hàng ngày ăn cơm các gia đình Nam Kỳ không xài mâm nhỏ để bày biện, họ dọn thẳng trên bàn, tuy nhiên trong gia đình vẫn có để sẳn một cái mâm tròn để tết phơi ..mứt .

Thành ngữ “ăn một mâm, ngủ một mùng” chỉ tình nghĩa keo sơn, gắn bó của vợ chồng.

Ngày nay người Nam Kỳ không ai xài mâm nhỏ, nhưng ngoài Bắc vẫn còn thói quen ăn mâm, tiệc mâm.

Mâm cơm gia đình là kỷ niệm đáng nhớ nhứt của đời người mà ai dầu đi xa cũng nhớ.

“Mâm cơm chiều bên mái tranh xiêu

Con nước lên nghe tiếng bìm bịp kêu chiều”

“Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi. Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc.”

Hồ Trường An

Nguyễn Gia Việt