Đình Phú Kiết

Phú Kiết xưa thuộc quận Bến Tranh, sau 1975 thuộc Chợ Gạo.

Danh tướng Nguyễn Cửu Vân hồi năm 1705 cho đào một con kinh nối liền hai con rạch có sẵn là rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho thành kinh Bảo Định nối liền Vàm Cỏ Tây và Tiền Giang.

Kinh Bảo Định là từ khúc chảy qua Hốc Đùng, Bến Tranh, Phú Kiết trổ xuống rạch Mỹ Tho ra Sông Tiền.

“Xắn quần em lội qua lung

Quần em lỡ tụt anh hun chỗ nào?

Anh hun thì hun má đào

Quần em lỡ tụt cắm sào ngủ luôn”.

Chữ Phú Kiết có nghĩa gì? Phú là giàu có, sung túc. Còn kiết chính là cát của cát tường, của may mắn, hanh thông, tốt đẹp. Phú Kiết là vùng đất giàu có, tốt lành.

Trong đình còn nhiều liễn đối mà dịch ra toàn âm kiết, thí dụ:

“Phú hựu thôn trung thiên niên thạnh

Kiết tường an lạc bá gia hưng”

Và:

“Phú nghiệp ân chiếu quang đế sắc

Kiết tường đức quản hậu tô thần”.

Thiệt ra người Miền Nam mình ngày nay không kêu kiết trong hung kiết, Miền Nam thích cái âm cát hơn, thí dụ đại cát đại lợi, cát tường, hung cát…..

Tuy nhiên hồi xưa người Miền Nam ở vài chỗ lại thích kêu kiết trong hung kiết, đại kiết. Thí dụ trong Kinh Phật có “Kinh Đại Kiết Tường Thiên Nữ”, có nơi dịch là Đại Cát Tường Thiên Nữ Chú

Như vậy Phú Kiết là vùng đất ngày xưa người dân thích âm kiết hơn cát. Phú Kiết có nghĩa như Phú Cát.

Tuy nhiên so địa danh thì Miền Nam ngoài Phú Kiết thì thấy địa danh mang tên Kiết nữa ở Sóc Trăng, đó là làng Lâm Kiết (xã Lâm Kiết). Lâm Kiết trước đây còn có tên là Thạnh Kiết, chữ Thanh Kiết có nghĩa là sự sung túc hanh thông.

Chúng ta không kể Cát Tiên ở Lâm Đồng vì nó cũng từ chữ bổn địa dân tộc vùng đó mà trại ra chữ Tiếng Việt.

Miền Nam không có vùng nào tên Cát.

Cái tên Cát Lái là tên sai, đáng lẽ là Các Lái.

Có bài “Vè các lái “ ở Nam Kỳ xưa mình :

“Ghe bầu các lái đi buôn

Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga

Bắt từ Gia Định kể ra

Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô

Trên thời ngói lợp tòa đô

Dưới sông thủy cát ra vô dập dìu”

Các Lái là chổ bến tàu của những lái buôn đường dài từ Trung Kỳ vô,Miền Tây lên đậu lại nghĩ ngơi ,tra đổi hàng hóa cho một chuyến đi dài hồi xưa.

Bến Các Lái có từ thời Nguyễn rồi.

Năm 1861, khi tàu hải quân Pháp đầu tiên tiến vào sông Sài Gòn thì đã thấy có hai làng lớn nằm hai bên bờ sông là Khánh Hội và Thủ Thiêm kéo dài tới Các Lái.

Miền Bắc và Miền Trung thì đều có những vùng mang tên Cát có nghĩa là đại cát đại lợi. Thí dụ:

-Hà Nội có làng Đại Cát ở Từ Liêm, có Cát Quế. Khánh Hoà có Đại Cát ở Ninh Hoà. Thanh Hoá có Cát Tân, Cát Văn. Yên Bái có Cát Thịnh.

-Bình Định có Phù Cát, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Chánh….