Một làng nổi trên Biển Hồ của Campuchia có tên là Kompong Luong mà họ viết tắt là K.g Luong.

Cái tên Luông và Long trong văn hoá Miền Nam: Từ Compong Luong tới Tầm Phong Long, Vãng Luông, Vĩnh Long, Hàm Luông, Mỹ Luông, Yên Luông…

Trong lịch sử Miền Nam vùng đất An Giang và Sa Đéc xưa là đất Tầm Phong Long. Năm 1757 trào đình Chân Lạp đã chuyển giao chủ quyền xứ Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phước Khoát lấy đất Tầm Phong Long gồm Châu Đốc và Sa Đéc thuộc về Việt Nam. Đàng Trong lúc đó có 21 dinh.

Chúa Nguyễn cho thành lập ba xứ, 3 đạo quân canh gác biên cương gồm:

– Đông Khẩu đạo ( Sa Đéc)

-Tân Châu đạo (Cù lao Giêng)

-Châu Đốc đạo ( Hậu Giang)

Tầm Phong Long tên Khmer là Kompong Luong, nghĩa là bến sông của vua.

Người Khmer đọc chữ Kompong (កំពង់) là com pung [kɑmpʊəŋ].

Kompong là một chữ rặc của Tiếng Khmer. Địa danh Khmer có vô số kom pung. Bên Campuchia có tỉnh Kampong Cham (Bến nước của người Chàm), Kompongchnang, Kampong Speu, gần Angkor Wat có cây cầu Kompong Kdei (cầu Rồng) .

Người Việt và Tàu gọi vua là Long (rồng) thì người Khmer và Lào gọi rồng ( tượng trưng cho vua) là Luong. Luong là to lớn, vĩ đại.

Ở Lào có thành phố Luong Prah Bang đọc là “Luổng Phạ Bang” có nghĩa là con rồng trên vòm trời , sử Nguyễn gọi là Lao Long quốc. Lào cũng có That Luong nghĩa là tháp lớn.

Thái Lan cũng có chữ Luong nhưng đọc qua âm Luang. Ở Chiang Mai có Kad Luang Market, có chùa Wat Chedi Luang.

Nhiều dân tộc thiểu số ở Bắc Việt có chữ luông có nghĩa là lớn, cao , thí dụ núi Pù Luong, Phú Luông.

Tầm Phong Long là tên đất ở An Giang có chữ gốc Khmer là Kompong Luong, nhưng học giả Vương Hồng Sển trích sách Sài Gòn xưa của học giả Trương Vĩnh Ký nói về một địa danh ở Miền Nam xưa tên là Kompong Luông Sài Gòn.

Miền Nam có hai chỗ gọi là Kompong Luông, dịch hay âm là “Tầm Phong Long”, đó là:

– Kompong Luông Sài Gòn:Là chổ Cột cờ Thủ Ngữ. Ngày trước, phó vương Đàng Thổ, ngự tại Sài Gòn, thường ra tắm sông nơi này.

– Kompong Luông vùng Vĩnh Long.

Sau khi người Việt chiếm Sài Gòn, thì phó vương Đàng Thổ chạy xuống đất Vĩnh Long, lập một khu Kompong Luông khác.

Thực ra hai trung tâm chánh trị của vua Miên ở Vĩnh Long và Sài Gòn đều quan trọng như nhau.

Kompong Luông ăn đậm ở đất Vĩnh Long tới độ sau này đặt tên Vĩnh Long là dựa theo cái âm từ cái tên Vũng Luông ,Vãng Luông mà người dân kêu tên xứ Kompong Luông này.

Miền Nam có nhiều địa danh liên quan tới Kompong lắm, Trà Vinh có Kompong Thmo, Kompong Đung (Ô Đùng).

Cầu Kè là huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Tiếng Khmer gọi Cầu Kè là Kâmpóng Spéan nghĩa là bến cầu.

Sóc Trăng có xứ Tham Đôn tên Khmer là là Kompong Đôn nghĩa là Bến Dừa.

“Hỏi anh có thích có ưa

Bánh bò chan nước cốt dừa Tham Đôn”

Hà Tiên ngày xưa có tên là Compong Som mà tên Việt là Vũng Thơm. Ở Sóc Trăng cũng có Vũng Thơm làm bánh pía nổi tiếng.

Tân An Long An hồi xưa là xứ Vũng Gù. Vũng Gù là tên Việt dựa âm Khmer, tên Khmer của Tân An là Kompong Kou (Kâmpóng Koŭ) là bến sông có nhiều bò. Sách Đại Nam liệt truyện giải thích như sau: ”Tên Nôm là Vũng Gù, tức sông Hưng Hòa, thường gọi là sông Vàm Cỏ Tây…”.

Miền Nam có nhiều xứ tên Luông mà nhiều người cho rằng có bà con với Long, thí dụ Hàm Luông, Mỹ Luông, Vãng Luông….

Thí dụ: Hàm Luông ở Bến Tre

Trong cuốn “Chuyện cũ ở Sóc Trăng” học giả Vương Hồng Sển có dẫn câu “Hàm Luông chí hải khẩu” mà ông noi là dân Ba Tri xưa hay nói kiểu thành ngữ ám chỉ ai nói quá dài dòng.

Học giả dẫn tích và kinh nghiệm rồi kết luận là không thể giải thích Hàm Luông là hàm rồng đặng .Vì nếu nói Hàm Luông là Hàm Rồng thì có khác gì Hàm Rồng ở Thanh Hóa.Hàm Luông của Nam Kỳ chắc chắn khác Hàm Rồng của Thanh Hóa về câu chữ và nghĩa nữa.

Hàm Rồng tên chữ Hán là Long Hạm. Vua Lê Thánh Tôn từng ghé ní Hàm Rồng và có làm bài thơ 题龙颔山 Đề Long Hạm Sơn. Hàm Rồng chữ Hán là Long Hạm 龙颔.

Tuy nhiên lại có một ý nghĩa mà ngày nay thông dụng rằng hàm long là hàm rồng. Thí dụ như núi Hàm Long ở Huế,ở Qui Nhơn.

Tại Hà Nội có đường Hàm Long. Cái tên đường bắt đầu từ tên chùa Hàm Long cổ xưa ở đường đó. Vua Lý Thái Tổ nhìn thế đất đền Hội Khánh tựa như rồng ngậm ngọc (Hàm Châu Long) nên cho đổi đền thành chùa Hàm Long.

Chính tại Bến Tre trước 1975 khi đó tên là tỉnh Kiến Hòa có một quận tên là Hàm Long nơi có sông Hàm Luông, chính là huyện Châu Thành của Bến Tre ngày nay. Tức là người viết sử thời VNCH đã suy diễn Hàm Luông là Hàm Long,tức là hàm rồng.

Nhưng nếu kêu Hàm Luông là Hàm Rồng thì sao cồn Long (cù lao Rồng) ở Mỹ Tho không ghi là cồn Luông?

Nhưng tên xóm làng, tên địa danh ở Miền Nam khác ngoài Trung và ngoài Bắc vì Miền Nam có yếu tố Khmer trong đó.

Những chữ như Sóc Trăng, Cần Đước, Cần Giuộc, Cần Thơ, Chắc Cà Đao, Mạc Cần Đưng, Sa Đéc, Bến Tre, Mỹ Tho, Cà Mau, Bến Tre, Giá Rai, Sa Rài, Bến Lức, Tri Tôn, Kế Sách, Cái Răng, Ba Thắc, Trà Cú, Soi Rạp, Trà Ôn, Ba Tri, Ba Vát ,Lấp Vò, Cà Hôn, Tiểu Cần, Trà Nóc, Trấn Di, Vũng Thơm, Vũng Liêm, Cổ Chiên, Láng Thé, Trà Cuông, Tha La …..đố nhà Hán học nào phên âm đặng ra Hán Việt hay Hán ngữ.

Và cả cái tên Sài Gòn các nhà biên sách xưa không tài nào phiên âm ra đúng chứ Hán được.

Ngay tại Bến Tre chữ Mỹ Lồng cũng không ai phiên âm ra Hán ngữ được.

Thành ra chuyện Mỹ Luông hay Yên Luông, Hàm Luông mà phên âm chữ luông như long và viết là long là kiểu trúng có một nửa mà thôi.

Cái chữ Luông ở Miền Nam là chữ đặc biệt. Nó liên quan tới “Kompong Luông” và yếu tố Khmer trong cái tên đặc biệt bổn địa của nó.

Hàm Luông tên Miên là Tonlé prek Kompong Luong. Hàm Luông có chữ Luong cũng là rồng trong tiếng Khmer, nhưng kêu Hàm Luông thành Hàm Rồng hay Hàm Long thì nhìn không giống ai.

Hình như chỉ có Tầm Phong Long và Vĩnh Long là có chữ Long khi biến âm từ Compong Luông ra.

Hàm Luông không phải là Hàm Long, không phải hàm rồng. Và đương nhiên Vĩnh Long cũng không thể nào chuyển tải hết cái tên Vãng Luông hay Vũng Luông ban đầu bổn địa của nó.

Tại Đại Điền Thạnh Phú gần bờ Hàm Luông có chợ Giồng Luông, bên Thới Thuận Bình Đại có rạch và cầu Vũng Luông cũng từ yếu tố Khmer bổn địa .

Vĩnh Long toàn địa danh Khmer biến âm. Long Hồ tên Khmer là Lòn Hòr là chim thầy bói. Từ địa danh Kompong Luông người Việt đọc trại ra Vũng Luông, biến từ từ ra Vãng Luông,Vũng Long.

Tên Vĩnh Long có từ năm 1832 khi vua Minh Mạng lấy cái tên địa phương Vãng Luông biến đổi ra Hán tự. Tỉnh Vĩnh Long 永隆. Chữ Long này là thạnh vượng chứ không phải là rồng.

Không hiểu vì sao từ Long Hồ là cái hồ có rồng thành Vĩnh Long là cái phồn thạnh vĩnh viễn?

Nhưng người Vĩnh Long có thể đọc trại Vĩnh Long thành Vãng Luông chứ không bao giờ đọc Long Hồ thành Luông Hồ .

“Tầm Vồ rày đã đóng đô,

Xin quan đổi lại Long Hồ cho an”

Cái mốt đọc trại chữ Long thành Luông do lịch sử Miền Nam lan ra tới xứ Huế khi có người đọc Kim Long thành Kim Luông.

“Kim Luông dãy dọc tòa ngang

Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình

Đôi lứa mình lỡ hẹn ba sinh

Có mần răng đi nữa cũng hãy trọn tình với nhau”

Nhưng người Miền Nam chẳng ai kêu Long Hồ thành Luông Hồ, Long Xuyên thành Luông Xuyên, Bửu Long thành Bửu Luông, sông Phước Long (Đồng Nai) thành Phước Luông.

Ở Vĩnh Long có vùng tên Vũng Liêm cũng từ tiếng Khmer mà ra. Nhiều người nói Vũng Liêm xuất xứ từ tên Vũng Linh của cuộc khởi nghĩa Láng Thé, Cầu Vong là không đúng.

Long của Rồng hay Long của thạnh vượng đều có địa danh đọc ra Luông, thí dụ Hàm Luông và Mỹ Luông, Yên Luông.

Ai nói Long (rồng) phải đọc ra Luông và đó là quy tắc thì làm ơn đọc lại sử.

Cửu Long mà đọc Cửu Luông, Long Lân Quy Phụng mà đọc Luông Lân Quy Phượng là ăn cái táng vô mặt. Chỉ riêng có Hàm Luông, Mỹ Luông, Yên Luông mà thôi.

Các bạn trẻ cẩn trọng khi đọc tư liệu.

Nguyễn Gia Việt.