Bánh lột da

Ngày nay nói về bánh lột da thì các bạn trẻ sẽ không còn biết nhiều khi thị trường tràn lan bánh pía.

Thế hệ của tôi, của ông bà nội ngoại thì rất rành bánh lột da. Bánh lột da là cái bánh có nhiều lớp da mỏng.

Bánh lột da là bánh thông dụng hầu hết ở các tỉnh Nam Kỳ trong ngày Lễ Tết hồi đó. Kêu là lột da vì đó là bánh nướng kiểu trung thu có nhưn đậu xanh trộn mỡ xắt hột lựu, đặc biệt da có hai ba lớp bong ra rất ngộ. Làm bánh mà da hai ba lớp thì người làm phải là bậc thầy, có bí quyết.

Nhìn cái bánh là biết có gốc Tàu, Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh.

Pía 饼 = bánh. Bánh pía ban đầu chính là bánh lột da.

Sau người ta làm nhưn bánh lột da mà có mỡ nước trong đó, nhưn sệt sệt, pha thêm sầu riêng, bỏ thêm cái hột vịt muối. Bánh này khác nhưn bánh lột da, nhưng da cũng hai ba lớp như lột da. Để phân biệt người ta đặt là Bánh Pía.

Có lẽ bánh pía thông dụng là từ mười năm trở lại đây khi bánh trung thu quá mắc, người Nam Kỳ bỏ trung thu ăn bánh pía vì ghiền mùi sầu riêng.

Chữ Pía là bánh, kêu bánh Pía cũng hơi kỳ cục. Đúng ra phải kêu bánh pía là bánh lột da nhưn sầu riêng hột vịt muối.

Nhưng tại sao Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên không rộ bánh pía mà đặc biệt lại ở Sóc Trăng? Có lẽ bánh pía là bánh được chế biến ,phát minh phiên bản kiểu VN sau này mà ngon nhứt là ở tại Sóc Trăng ,ở đó có nhiều người Tiều.

Người Tiều cũng để lại cho Miền Nam một món Bò Pía mà các bạn học sinh, sinh viên rất thích ăn.

Bò pía 薄 餅 là món không hề có thịt bò. Bò pía là món Tiều,tên là “páo pỉnh”, đọc trại âm Miền Nam thành bò pía. Chữ pỉnh hay pía có nghĩa là bánh. Bò pía là bánh mỏng.

Một cuốn bò pía có lạp xưởng, củ sắn,tôm khô hoặc ruốc xào với đậu phộng, rau xà lách, rau thơm, miếng hột vịt chiên xắt nhuyễn như cơm tấm Long Xuyên quấn với bánh tráng thành cuốn vuông hoặc tròn chấm với tương ớt xí muội.

Bò pía là món cuốn bánh tráng, quấn quấn, chấm chấm tương bằm, song không phải là gỏi cuốn của người Miền Nam.

Nguyễn Gia Việt.