Trứng chiên khổ qua

Khổ qua vậy mà chế biết ra rất nhiều món, giàu thì khổ qua dồn thịt cá thác lác, nghèo thì luộc khổ qua chấm chao, khổ qua xúc hột vịt.

Ba cách chế biến khổ qua đều ngon.

Ca dao Nam Kỳ có câu:

“Khổ qua xanh, khổ qua trắng

Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo

Thương em, thì anh làm giấy giao kèo

Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em”

Hồi nhỏ ăn khổ qua thấy đắng nghét trong miệng, về trung niên ăn thấy nó ngọt lịm, là vì đời người đã nếm quá nhiều cay đắng của cuộc đời, càng về sau lại thấy vị đắng nó quen nên nó đã thành vị ngọt.

Ở độ tuổi đã nếm nhiều vui buồn cuộc đời, nhìn bạn bè thập tử nhứt sanh, rơi rụng cũng lần hồi, bồi hồi cũng lắm, nước mắt cũng vài lần. Thành ra giờ ăn cơm thích có trái ớt hiểm kèm theo cho cay cay ở lưỡi, có sở thích lạ kỳ là uống một miếng cafe mỗi ngày kiểu cho cơ thể nó tăng tăng đặng bớt ngoáy nhìn hiện thực xã hội, thèm khổ qua luộc, thèm rau đắng đất.

Quê hương Miền Nam của chúng ta là của khế chua, chuối chát và cay đắng cả một đời người.

Thành ra thời trẻ ăn miếng rau đắng hay khổ qua thì nhợn lên nhợn xuống la đắng quá nhưng khi đã 40 tuổi thì thấy nó lại ngọt dịu là vậy.

“Dù trời đem cay đắng gieo thêm

Cũng xin đón chờ bình yên”

(Nguyễn Đình Toàn)

Quê hương Nam Kỳ mình là những đắng cay của đời người và lịch sử.

Từ khi tạo lập Miền Nam tới nay, lịch sử Miền Nam đắng nghét. Rọi lịch sử gần đây thôi, 1954, 1968, 1973, và 1975 tới nay.

Lịch sử của Miền Nam chấm dứt từ ngày tháng tư, từ đó vai trò người Miền Nam đã thay đổi, ra đường nhiều hơn, tha hương nhiều hơn, bán vé số đông nhứt nhì.

Thương thay, buồn thay ! Dù có tràn đầy lòng trắc ẩn với đồng loại cùng chung một tiếng nói với mình thì cũng đành ngậm ngùi mà thôi .

Quê hương mình chan nước mắt, khổ sở nhiều lắm.

“Em bỏ đất bởi bị dồn tuyệt lộ

Lời ca dao, câu Vọng Cổ ngân buồn”.

Những người từng tham gia vào lịch sử, là một phần của Miền Nam xưa thì ngày càng già, họ thấy họ bất lực trước thời cuộc và tuổi tác, họ cam chịu nhưng thấy ray rứt và xé lòng.

Những người sanh sau 1975 thì cũng có cảm giác rất khó tả. Tựu trung là nếm hết vị đắng của lịch sử.

“Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi

Bằng sức người vô hạn

Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi

Bằng sức người đã kiệt

Bằng sức người đã tả tơi ước mơ”.

Vị đắng nghét của trái khổ qua cũng như cuộc đờì là thứ không thể thay đổi được.

Ở ngôi chùa kia, có một lần chúng đệ tử cùng nhau xuống núi hành hương. Lúc này, sư phụ mang đến một trái khổ qua và nói:

– Mang trái khổ qua này theo bên mình, nhớ là ngâm nó vào mỗi con sông thánh mà các con đi qua. Hơn nữa, nhớ mang chúng vào chánh điện nơi các con thờ phụng, đặt lên bàn thờ cúng bái, lúc quay về, thì đem theo nó cùng về.

Chúng đệ tử đi viếng qua rất nhiều sông thiêng và đền chùa, cũng luôn theo lời sư phụ dặn dò mà làm. Sau khi quay về, họ đem trái khổ qua đưa lại cho sư phụ.

Và rồi, sư phụ lại biểu họ đem khổ qua nấu chín ăn tối. Đến bữa cơm tối, sư phụ cắn một miếng khổ qua, sau đó nhẹ nhàng nói:

“Kỳ lạ thiệt! Ngâm qua nhiều sông thánh, tiến vào nhiều đền chùa như vậy mà trái khổ qua vẫn không ngọt”.

Cuộc sống của con người có những thứ dễ dàng thay đổi, có những thứ mãi mãi không thể nào thay đổi được. Bởi lẽ, nó là bản chất, nó thấm sâu vào trong con người của họ rồi chẳng thể nào thay đổi được điều đó.

Cũng như bản chất trái khổ qua đắng thì có như thế nào nó cũng đắng mà thôi. Chúng đệ tử nghe xong, lập tức đều tỉnh ngộ.

Nếu khổ qua có ngày nào ngọt như quýt đường thì tội cho trái khổ qua lắm, nó phải đắng, cũng như lịch sử và con người Miền Nam đắng nghét.

Khổ qua là thứ trái mọc hồi xưa gần như hoang dại, đắng nghét, người nghèo luộc nó chấm chao chấm tương qua bữa. Tuy nhiên ông bà Miền Nam mình trân trọng trái khổ qua, ngày Tết khổ qua trang trọng được đặt nằm trên bàn thờ rước ông bà về.

Tết ở Lục Tỉnh, đón ông bà phải có nồi thịt kho hột vịt và nồi khổ qua hầm.

Cái trái đắng nghét mà người Bắc kêu là quả mướp đắng, dân Nam Kỳ kêu là trái khổ qua. Người Bắc ở Miền Nam đâu có kêu đặng chữ khổ qua, họ kêu là “ổ hoa” không hà!

Khổ qua là gì?

Người Nam Kỳ hay xưng “qua” với bậu, khổ qua tức là lòng anh khổ,đắng nghét vì em phụ tình.

Nhiều chàng trai than với người tình: “Tui thương cô lắm cô hai ôi! đành lòng nào cô làm như không biết, khổ thân tui lắm mà!”

“Nhân gian xa vời sao băng tăm tối

Sông ân tình sao đi không tới

Anh trách mình anh trách anh thôi

Cay đắng nào dâng cháy trên môi”

( Trần Thiện Thanh )

Chuyện khổ đau, gian nan ,khó khăn trong đường đời của mỗi con người là chuyện thường tình thôi. Với nhiều người gian nan khổ cực không phải là chuyện đáng ngại, nhiều người tự hào nói hồi nhỏ nhà tui nghèo lắm, cực khổ lắm,Tết nhứt mấy anh em thèm cục thèo lèo cút chuột cũng không có.

Nhiều người từng lâm cảnh lỡ vận, không có sở làm, quần áo lôi thôi lếch thếch,có khi lang thang, ăn ở cực khổ.

Nhưng tất cả đã qua,cuộc sống khấm khá hơn, nhưng khi giàu họ vẫn không quên lúc nghèo, sống vẫn hề hà hỉ hả cùng bà con cô bác. Tính cách đó mới là Lục Tỉnh xưa rày, cuộc sống phải có đau khổ mới thể hiện đầy đủ đoạn đường đời của một người từng trải.

Có khổ,rồi khổ sẽ qua, người ta cứng cáp hơn.

Thành ra trái khổ qua được người Nam Kỳ nâng lên thành một món quí của ngày Tết. Ngày 30 Tết người Nam Kỳ phải hầm cho bằng được một nồi khổ qua dồn cá thác lác đặng rước ông bà.

Khổ qua cũng có nghĩa là cho cái khổ cực đi qua cho rồi, qua cái rột để hy vọng cái mới tốt đẹp hơn trong năm mới.

Tết mà, vui lên đi, bỏ hết buồn phiền, cho khổ nó qua hết đi.

Ca dao Nam Kỳ có câu:

“Khổ qua mắc nắng, khổ qua đắng, khổ qua đèo

Dầu sanh, dầu tử, dầu nghèo anh cũng thương”

Và :

“Dây khổ qua bông vàng nhụy trắng

Trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm hương tình”

Tết nhứt, nhà Nam Kỳ nào cũng hầm một nổi khổ qua bự chảng, trái khổ qua được nhét vô bụng bằng thịt cá thác lác rất dẻo và dai và buộc lại bằng những cọng hành xanh mướt.

Người ta cúng khổ qua hầm trong lễ rước ông bà chiều 30 tháng Chạp, xui xẻo qua mau, khổ qua hết.

Hồ Biểu Chánh viết truyện nói năm non bảy núi, cà xịch cà đụi chuyện đời Lục Tỉnh này nọ thì rất hay. Nhưng về ẩm thực thì ông tệ hệ. Hồ Biểu Chánh chưa hề nhắc tới đồ ăn, một món đồ ăn nào trong cái quán,cái bếp Nam Kỳ xưa của truyện ông.

Có lẽ ông là đốc phủ sứ, quen có người làm nên chưa bao giờ vào bếp, bản thân ông cũng không nhắc đồ ăn vì đó là chuyện đàn bà.

Ông Hồ Trường An thì lại khác,ông lỉa khỉa moi đồ ăn ra rất nhiều, bánh trái đủ mặt,toàn món ngon và đặc sắc, thổ sản của Nam Kỳ .

Tui rất thích ông này ở những món đồ ăn xứ mình.

Thí dụ: “Thịt cá thác lác dẻo hơn, ngọt béo thần sầu. Cá thu mà đem làm chả thì thua cá thác lác một trăm cây số. Đành rằng cá thác lác nhiều xương, nhưng nếu mình khéo lóc thịt đem quết chả thì sẽ ngon gấp mười lần thịt lý ngư trong ao Dao Trì trên thương giới”

Qúa chính xác rồi còn gì?Chả cá thu sao bằng chả cá thác lác.

Cá thu cũng dai nhưng dai nhách mà lại tanh tanh mùi cá biển. Còn cá thác lác dai dòn,ngọt thịt kiểu miệt vườn, thơm mùi cá nước ngọt .

Thác lác là loài cá mỏng lét, dẹp đép, cái đầu nhọn cái mình bự, xương nhiều. Nhưng trời sanh cho con cá này thịt thiệt là ngon.

Muốn lấy thịt cá ra thì phải xài dao thiệt bén xẻ hai bên thân cá rồi lấy muỗng nạo thịt ra.

Ngồi banh háng nạo cá thác lác thiệt vui, rẹt rẹt vài ba cái là xong con cá.

Thịt cá bỏ vô miếng muối rồi dùng chài quết như quết bánh phồng vậy, quết càng lâu cá càng dai .

Thác lác nấu được hai món chánh, đó là canh khổ qua dồn cá thác lác và chả cá thác lác. Lẩu cá thác lác là món con cháu của khổ qua dồn thác lác thôi.

Khổ qua vị hàn, đắng mà dồn thác lác vị ngọt dai cho ra nồi canh trong vắt, xanh xanh mấy cọng hành thơm mùi cá mùi tiêu, tô canh ngon hết xẩy con bà Bảy!

Khổ qua có vị đắng, mứt gừng vị cay, rồi trên bàn thờ có dĩa muối gạo hòa cùng bánh tét, thịt kho, dưa hấu….Té ra dư vị cuộc đời có đủ trên bàn thờ của người Nam Kỳ, đó là vột vòng đời.

Thương lắm nồi khổ qua!

Nguyễn Gia Việt.