Rằm tháng bảy

Người Việt mình có quan niệm tháng 7 là tháng Vu Lan báo hiếu, nhưng cũng được gọi là tháng cô hồn, tránh làm đủ thứ, rồi ăn chay cả tháng.

Người ta hay tuyên truyền kiểu “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng 7. Tháng7 lễ vu lan báo Hiếu phát tâm cúng dường”.

1.Chúng ta nhìn lại rằm tháng 7:

Rằm tháng 7 lớn ! trung nguyên (trung ngươn) mà! Tam ngươn là ba cái rằm lớn dính vào quy luật trời đất, các tôn giáo cũng dựa vô đó cúng kiếng là: rằm tháng giêng là “thượng ngươn”, rằm tháng bảy là “trung ngươn”, rằm tháng mười gọi là “hạ ngươn”.

Trong Trời Đất quay cuồng, con người nhỏ xíu đứng giữa vũ trụ càn khôn biến chuyển không ai cưỡng lại được, hết xuân hạ thu đông thì mùa xuân trở lại, theo vòng tròn, rồi trăng tròn trăng lại khuyết.

Tiết trung nguyên rằm tháng 7 có truyền thuyết là tiết quỷ nguyệt tức tháng của ma, là tháng của vong hồn người chết. Thuật ngữ ”cô hồn” nghĩa là hồn người chết vô thừa nhận, không ai cúng vái.

Dựa vào tháng 7 âm lịch là “tháng âm”, khi mà mưa gió nhiều nhứt trong năm, mưa nắng thất thường, khí trời lúc nóng lúc lạnh, bão lụt tơi bời, rồi nắng nóng cũng bất ngờ làm âm khí xen lẫn dương khí bay ngút trời nên người xưa đã tưởng tượng ra “cô hồn” vượt địa ngục lên trần gian.

Rằm tháng 7 lại trùng với lễ Vu Lan Bồn của bên Phật giáo.

Tôn giáo dựa vào thời tiết để huyễn hặc lòng tin người dân.

Cúng cô hồn thực chất là một hình thức xoa dịu xã hội, tức là một dạng bố thí, tương trợ cho người lang thang, ăn xin, lỡ đường có cái ăn mà sống qua ngày, bản chất của cúng cô hồn là vậy.

Ngày nay thì người lang thang, ăn xin, lỡ đường hết còn ăn đồ cúng cô hồn đặng vì bị “cô hồn sống” nó giành giựt hết rồi.

Cúng kiếng cũng là hình thức, vì người chết có ăn uống gì được đâu. Cúng là cho cô hồn sống ăn thì có vì cô hồn sống mới có khả năng phá phách xóm làng. Con người chỉ sợ cô hồn các đảng sống mà thôi .

Chẳng thấy cô hồn các đảng thiệt hưởng đồ cúng đâu, chỉ thấy cô hồn sống giựt tưng bừng, đánh lộn, chửi nhau chí chóe.

Thường người Tàu làm ăn lớn sẽ cúng cô hồn lớn, đó là cái lợi, họ thâu vào nhiều do bán buôn thì họ muốn cúng ra một số nhằm dễ làm ăn .

Thiệt tình nên bỏ cái tục cúng cô hồn luôn đi! nhứt là người Miền Nam. Đám giỗ của người Nam Kỳ luôn có mâm đất đai cúng ngoài sân đặng cúng người lưu dân khai hoang xưa bỏ mình ngoài đồng, ngoài đường trong quá trình mở đất.

Thành ra Nam Kỳ không cần cúng cô hồn tháng 7 vì đám giỗ nhà nào cũng đã “mời” rồi.

Năm nay thấy mọi người đồng loạt “tẩy” cái vụ phóng sanh mà thấy đã cái nư gì đâu á!

Hiện đại, môi trường, cần phải nói lên tiếng nói để bỏ cái hủ tục đó đi. Không có người phóng sanh thì sẽ không có người bắt chim bắt cá nhốt lại.

Mấy bạn biết vì sao người Miền Nam hầu như ít có dính vào một tôn giáo chánh không? Xà quần vậy á, nhưng hỏi lại thì không phải là tín đồ Phật giáo, không phải dân Công giáo hay Tin Lành,cũng không phải Cao Đài hay PG Hòa Hảo, em là người tự do và không có một tôn giáo nào níu em đặng .

Cái gọi là Tam giáo là cái rất mơ hồ, định dạng là bàn thờ ông bà tổ tiên. Nhưng đạo ông bà đâu phải tôn giáo, nó chỉ là một cách nghĩ như triết học thôi. Phần đông người Miền Nam lại theo cái cách đó.

Nam Kỳ là xứ tự do và dân chủ từ trong máu huyết từng người. Trong tư thế người Miền Nam luôn thích tự do, không thích ràng buộc.

Đừng bao giờ lấy bất cứ điều gì ràng buộc, phép tắc ra so sánh tâm tánh dân Nam Kỳ với tôn giáo, cái máu tự do luôn hiện diện trong lòng dân ở đây.

Người Miền Nam rất nhẹ nhàng với tôn giáo, tánh hòa chung, không có tôn giáo nào làm khó họ được.

2. Vu Lan báo hiếu.

Tình thương không cần thể hiện trong một ngày, mà chúng ta thể hiện hàng gày qua cách đối xử với cha mẹ.

Thương cha mẹ là thương cả đời, không phải đợi tới rằm tháng 7 để thể hiện một trò tập thể trong show Vu Lan ở chùa mà mấy ông thầy chùa làm đạo diễn.

Thực sự nói với các bạn trẻ rằng!xin đừng a dua vô vụ bông hồng bông trắng,bông đỏ kiểu diễn như vậy.

Vụ bông đỏ bông trắng là do ông Thích Nhất Hạnh bày ra, mà ông này xưa rày ai cũng biết là sống rất màu mè.

Đức Phật không dạy tu tập và sống có hiếu kiểu màu mè và đầu môi chót lưỡi. Sống thực chất là từ trong tâm.

Một màn diẽn Vu Lan sống sượng khi kẻ bông trắng thì nghẹn ngào nước mắt, kẻ bông hồng đỏ thì mãn nguyện vui tươi. Ông thầy chùa thì huyên thuyên dùng lời nói để kẻ khóc phải khóc nhiều hơn.

Đó là trò phân chia cảm xúc không an hòa của chúng sanh.

Đức Phật dạy rằng chúng sanh hãy quán chiếu hiện tại đừng nhìn quá khứ, đừng quá lo nghĩ về tương lai.

Đợi tới vô chùa cài bông trắng mới khóc thì có gì đó quá giả dối. Đợi tới ông thầy chùa nói mới biết chữ hiếu thời làm con người quá tệ, cái học và trí thức của chúng sanh đâu rồi?

Thực tế chữ Hiếu là đạo của con người, dù sống hay chết vẫn hiếu, không cớ chi phân biệt trắng hay đỏ, huống hồ Phật luôn xiển dương sự bình đẳng.

Bạn nghĩ sao trong buổi lễ mà nhìn bông là biết ai còn mẹ, ai mất mẹ, một sự phân biệt không hề cân bằng về tâm lý của chúng sanh.

Thành ra chúng sanh hãy sống thực tế, tẩy chay trò cài bông đỏ trắng, không tham gia những trò màu sắc mà không thực chất này.

3. Xin hãy sống tự tin với xã hội, với Trời Đất, với lương tâm, với quê hương!

Rằm tháng 7 là một cái lễ rất lớn của những nước theo phong tục văn hóa Tàu,rằm tháng bảy là trung nguyên (trung ngươn).

Tiết trung nguyên rằm tháng 7 có truyền thuyết là tiết “Trung Nguyên phổ độ”, là 鬼月quỷ nguyệt tức tháng của ma là tháng của vong hồn người chết.

Bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch thì Diêm Vương ở âm phủ mở cửa 鬼門關 Quỷ Môn Quan để ma quỷ sẽ túa ra tứ phương để nhận bánh trái nhang đèn của dương trần cúng kiếng và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 âm lịch thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại âm phủ .

Rằm tháng 7 lại trùng với một đại lễ Vu Lan Bồn của bên Phật giáo.

Vu Lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, có nghĩa là cái chậu cứu nạn treo ngược. Người Tàu thêm chữ “Bồn” là cái bát đựng thức ăn. Vu lan bồn là cái bình bát cứu nạn treo ngược vì người Tàu nói hồn người chết thường bị treo ngược ở âm phủ.

Trong kinh Vu Lan Bồn, Phật dạy ông Mục Kiền Liên cách cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Còn kinh này có phải của Đức Phật giảng hay không thì ….chưa chắc!

Do có tích bổn địa, cộng với tích bên Phật, trùng với ngày mãn “an cư kiết hạ” của tăng ni nên rằm tháng 7 là ngày lễ lớn của Phật giáo Bắc Tông, rằm tháng 7 là Vu Lan báo hiếu.

Phật giáo Theravāda Nam Tông cũng tổ chức lễ rằm tháng bảy, nhưng không lớn,rình rang bằng bên Bắc Tông.

Chuyện âm phủ rùng rợn của Lão giáo kết hợp với nghiệp của mấy ông thầy chùa bên Phật giáo làm cái rằm tháng 7 lung linh huyền ảo.

Nghiệp (Karma) là cây và trái. Người ta nói rằng gieo cây gặt quả. Theo giáo lý nhà Phật, nghiệp quả có thể kéo dài từ đời này sang đời khác. Có những khổ đau, đau đớn, bịnh tật, tai nạn của đời này được xem như là quả của những nghiệp ác đã được gieo từ kiếp trước.

Rồi những nghiệp ác mà một người làm ở đời này, có thể người đó sẽ còn phải trả trong cả kiếp sau và kiếp sau nữa.

Mệt!Nợ gì mà trùng trùng lớp lớp, hoài hoài, mãi mãi như những người cho vay nặng lãi vậy?

Các “thầy” sẽ hướng mọi người bất động im hết, đừng nói, đừng phản ứng, đừng hành động gì hết. Cứ cam chịu đi sẽ thành chánh quả. Nói vậy thời xã hội bất công sẽ trùng trùng mãi mãi.

Mà xin thưa! cuộc đời nhân vô thập toàn. Hằng hà biến cố, cuộc sống hàng giờ, hàng phút khiến chúng sanh khó chu toàn cái “tuyệt đối”.

Đức Phật thì không có khả năng giáng họa hay xá tội cho ai. Tất cả là do “tự lòng”, bản thân chúng sanh tự ý thức sống mà gỡ tội.

Có thể nói sự “tỉnh thức”, tự độ mình, tự giác tìm an nhiên trong ý thức cá nhân của đạo Phật là tiến bộ. Song le, cái tiến bô đó lại không thể. Chính Đức Phật cũng dạy là mọi thứ vừa phải, vừa đủ thôi, có cái “trung đạo” kia kìa. Tức là chúng sanh làm gì làm, thấy vừa đủ, thấy cần thiết thôi thời cứ mạnh dạn mà làm.

Đức Phật Thích Ca là người khởi tạo ra tư tưởng “bình đẳng,bác ái” trước nhứt của thế giới này.

Muốn xã hội có bình đẳng thì phải cần có một hệ thống chánh trị tốt và công bằng, có những bảo đảm cho các quyền căn bản của con người.

Bảo vệ quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền làm người của con người là một nhiệm vụ của chúng sanh.

Đức Phật khuyến khích tinh thần và tiến trình dân chủ của con người.

Dầu Đức Phật không thuyết về chánh trị nhưng chúng ta hiểu để có “dân chủ” và “bình đẳng” trong xã hội này phải tham gia điều chỉnh xã hội bằng chánh trị.

Các “thầy” bên Phật hiện giờ luôn lấy nghiệp quả kiếp này kiếp trước trùng trùng không thoát được ra hù chúng sanh nhẹ dạ, hời hợt. Nhìn đi, ông Thích Chân Quang tuyết đạo làm cái gì cũng quả báo, làm nghề gì cũng quả báo, nghiệp nặng.

Trong khi bên Công Giáo lại quan niệm khác bên Phật.

Cái bí tích rửa tội của Công Giáo rất đáng suy nghĩ. Công Giáo không có giáo lý nói về “tái sanh” và nghiệp quả.

Theo giáo lý bên Thiên Chúa thì năm nẳm năm xưa ở vườn địa đàng thủy tổ loài người là ông Adam và bà Eva vì đã trái lịnh trên trót ăn trái cấm –quan hệ tình dục đẻ con nên bị trọng tội .

Từ cái chuyện nầy mà tất cả loài người, con nít sanh ra đã bị mắc tội, tội nầy được gọi là “Tội Tổ Tông” hay “Nguyên Tội” là tội đầu tiên của loài người chống lại Thiên Chúa.

Tội Tổ Tông được di truyền cho con cháu muôn đời. Thành ra con nít khi sanh ra phải vô nhà thờ làm lễ Rửa Tội tổ tông. Người lớn muốn vô Công Gíao cũng làm lễ rửa tội.

Rửa tội thành một trong những bí tích của bên Công Giáo song song bí tích hôn phối.

Chúa Giêsu đã dạy: “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi. Ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,16).

Công Giáo nói rằng chỉ có Đức Mẹ Maria là người đàn bà duy nhứt trên thế gian không mắc tội tổ tông. Vì thế Maria được tôn xưng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Rửa tội là một động thái vô cùng dứt khoát, tôi cho là vậy.

Nó xóa hết những gì thuộc về “quá khứ” của người ta. Tức là theo tôi lý giải là không có “nghiệp quả” gì của kiếp trước hết, cắt đứt với kiếp trước khi đứa trẻ tồn tại trên thế gian này

Mọi người tin Chúa Kitô đều được rửa tội để được tha thứ mọi tội lỗi. Nhờ phép rửa, chúng sanh được sống trong sự sống mới và lớn lên trong ơn sủng của Đức Chúa.

Người Ki Tô chỉ tính “xấu tốt” của một con người khi sanh ra rửa tội và tới lúc chết đi. Không tính kiếp trước, kiếp sau, tái sanh .

“Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó là phán xét” (Hr 9,27).

Mỗi người chỉ chết một lần và chỉ một lần mà thôi.

Thiên Chúa ban cho chúng sanh khoảng thời gian duy nhứt để luôn lấp đầy từng ngày sống bằng những việc làm yêu thương nhứt.

Một người sống cuộc đời duy nhứt của mình thế nào thời sẽ quyết định vận mệnh đời đời của người đó.

Khi còn sống có tội thì xuống hỏa ngục phải chịu khốn khổ vì tội lỗi mà thôi.

Khác với Đức Phật không giáng họa, ban ơn cho ai thì Đức Chúa lại có quyền năng tuyệt đối.

Kinh Thánh không chấp nhận sự luân hồi.

Thành ra Đức Chúa rửa tội và ban lành cho chúng sanh sống tốt, sống an, sống đạo đức. Làm lành để được hưởng phước Thiên Đàng, lánh dữ để khỏi phải sa hoả ngục đời đời.

Công Giáo dạy rằng cá nhân không phải và không thể là đấng cứu độ của riêng mình. Tất cả tùy vào Đức Chúa. Thành ra giáo dân CG cầu nguyện rất nhiều và hàng tháng đi xưng tội để áp chế dục vọng của mình lại .

Một số người cười cái rửa tội của CG nhưng người trung dung nhìn vô sẽ thấy rửa tội là một bí tích rất hay đặng chấm dứt quá khứ với một con người khỏi nhắc nghiệp quả gì kiếp trước nữa.

Có một lời kể về những ngày cuối cùng của bác sĩ Alexandre Yersin (Ông Tư Nha Trang) ở Nha Trang. Ông yếu hơi gần đi thì người ta kêu một vị linh mục lại làm lễ thì Ông thều thào :”Người ta có tội gì đâu, người ta không cần rửa tội!”.

Đó! người trí thức,người cả đời phục vụ cho xã hội,cho nhân loại họ sống thẳng thướm, tự tin tới phút cuối cùng, cũng không cần rửa tội.

Trong khi nhà Phật đề cao tuyệt đối trách nhiệm ý thức cá nhân. Nhưng cá nhân tùy thuộc vào trình độ học vấn nữa, tùy thuộc vào cái “tâm ý” của những ông “thầy chùa ” hướng dẫn nữa.

Cho nên có thể thấy Công Giáo rất mạnh, con người mạnh dạn phát kiến, dấn thân,bày tỏ,đấu tranh,t ạo ra một hệ thống thần quyền xen với chánh trị và Phương Tây là hệ thống của thế giới văn minh này .

Và đạo Phật dầu có tư tưởng tiến bộ song qua những cách lý giải nghiệp báo trùng trùng của các “thầy trọc” cố ý không có tâm dần dà ngườo nào tin thành thụ động.

Suốt ngày cứ chay trường, rằm vía cúng dường, chuông mõ lốc cốc, miệng cứ niệm Phật và siêng đi chùa không phải là sự tiến bộ của một người mộ Phật .

Khi con người ta không ám ảnh nghiệp quả, kiếp trước kiếp sau thì mới có khả năng dám làm những thứ có lợi cho mọi người.

4. Rằm tháng 7 không cần cúng lớn vì tổ tiên chúng ta đã chết. Chết là an nhiên vĩnh hằng:

Nhiều người bị ám ảnh ma quỷ, đói no, họ tin đến độ ôm bài vị tổ tiên vô quán, vô chùa làm lễ đi qua cầu Nại Hà.

Tín ngưỡng là niềm tin, đức tin, không ai dám bài bác. Nhưng cá nhân tôi thì lại nghĩ khác một chút. Tôi chưa bao giờ đọc một đoạn kinh cầu siêu hay vô chùa cầu cho tổ tiên “bớt nghiệp” và mau siêu thoát.

Vì Đức Phật dạy, cái đức độ, tâm sáng là từng con người trong quá trình sống mà có, đâu ai có thể chia sẻ, cúng hay cầu giúp mình đặng. Không ai ban tội hay giảm tội cho một con người.

Cầu siêu làm gì khi mà người chết họ phải tự đi, tự giác.

Và tôi nghĩ tổ tiên tôi sống đúng, sống thẳng, sống mạnh dạn thì không cần ba cái trò đó.

Chết là hết, chết là cái thứ bình đẳng nhứt trong đời người.

Chết là quy về miền ký ức, miền nhớ, miền thương, miền của ông bà tiên tổ, miền của Phật và Chúa gì đó. Thâm chí người khuất không muốn về cảnh Phật, cảnh Chúa mà họ thích đi đâu đó cũng là quyền của họ, chẳng ai có khả năng ép họ.

“Trăm năm cũng phải tạ từ đi

Tay trắng còn lưu luyến chuyện gì ?

Bỏ hết sau lưng không luyến tiếc

Đâu còn trước mặt cảnh chia ly”.

Sanh thời, sống ở đời, người sống mệt nhọc, lo âu và buồn phiền rất nhiều. Nhưng khi chết là quăng hết gánh nặng của đời, nhẹ nhàng và êm ái nhứt thời, sướng không gì bằng.

Người ta sống bằng trách nhiệm nặng mang này nọ, gia đình, họ hàng, con cái và nợ quốc gia, chứ chết thì nhẹ hều, còn gì nữa đâu mà đòi họ.

Nói Thiên Đàng hay Niết Bàn, nó có thực không thì còn rất mơ hồ. Mà chắc gì đọc kinh rồi người chết sẽ về mấy cái đó .

Nhiều người sống không cho ăn, chết con cháu kêu sư về lập đàn, chạy kim đàng tùm lum, tụng niệm mấy chục ông. Có tác dụng gì?

Học giả Nguyễn Hiến Lê viết rằng:

” Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay của một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng”.

Ta sống là vì ta, vì dân tộc của ta trước tiên.

“Gia đình viên miễn

Xã hội thăng bình

Nông nghiệp phú phong

Quốc gia cường thạnh”

(Hồ Biểu Chánh).

Nhơn bản-Vô ngã-Từ bi-Bình đẳng.

Phật chủ trương tất cả chúng sanh như nhau, kể cả con kiến, ngọn cỏ cũng bình đẳng.

Con người ai cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng và hơn ai hết tự bản thân của mỗi cá nhân sẽ quyết định cuộc đời mình, đó là ý thức trong mỗi cái tôi của chúng sanh.

Đức Phật dạy rằng:

“Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta.Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”

Ta có thể nói Phật rất tiến bộ,hơn hai ngàn năm trước mà đã có quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng,đâu cần tới cách mạng tử sản Pháp hay Huê Kỳ lập quốc mới có khái niệm này.

Với Đức Phật, con đường Bát Chánh Đạo, con đường Trung Đạo là con đường chơn lý của con người.

Chúng ta sống tốt, sống đủ vậy là đặng. Chết cũng bình thường, thanh thản, tự tin với công nghiệp của bản thân mình. Không cần cầu siêu, không cần ôm bài vị qua cầu Nại Hà.

Đời này, chúng ta có duyên đầy, có ngày duyên hết, duyên tận, duyên tán và vậy thôi.

Những thứ trong rằm tháng 7 chỉ là những tiểu tiết con người làm ra để có màu sắc che mắt thế gian.

Nhiều người cứ nhắc Nhơn Quả và nhắc đến Nghiệp Chướng. Nhưng cũng có nhiều người tự tin bước vào cái chết thanh bình mà chẳng ngại ngùng gì ba cái chuyện đó.

Cứ sống thong dong thôi!

Kết bài:

Rằm tháng 7 hả? Không ăn chay, không cúng kiếng gì hết, khỏi cúng cô hồn, khỏi bông đỏ bông rắng. Thương cha mẹ thì nấu món gì đó ngon ngon để cả nhà cùng ăn vui vẻ.

Sống bình hường thôi!

“Mấy lời tâm phúc ruột rà

Tương tri dường ấy mới là tương tri”.