Hàng ngày chúng ta vẫn gặp trên những bảng chỉ đường giữa Sài Gòn ghi rành rành là phải “rẽ trái, rẽ phải”, mấy ngày nay là rộ cái bảng “nhường đường cho xe rẽ phải”, rồi “cấm vất rác”, “bãi đỗ xe”. Nghe trên truyền thông từ tivi tới đài phát thanh và báo viết nói về “nước dùng”, “bố ơi bố!”, “ lễ ăn hỏi”, “thông gia”, “đội bê tráp”….

Ai cũng hiểu với người Miền Nam thì làm gì có “bê tráp”, “nước dùng”.

Miền Nam chỉ có sui gia, bưng mâm quả, nước lèo, bùng binh, quẹo trái quẹo phải, đậu xe, quăng rác, đám hỏi…..

Nhưng biết sao được khi mà “bê tráp”, “nước dùng”, “rẽ trái”, “vòng xoay vòng xuyến”, “vất rác”….là ngôn ngữ “chuẩn” và được mặc định xài hay xử dụng trong truyền thông, giáo dục và được đem vô pháp luật.

Thí dụ cụ thể là “rẽ trái rẽ phải” chứ không phải là queo, chữ rẽ được ghi trong văn bản pháp luật.

Người Bắc thích rẽ trái, rẽ phải thì Nam Kỳ thích quẹo trái, quẹo phải. Quẹo trong văn hóa Miền Nam là khi đi đường phải quẹo trái, quẹo phải .

Huỳnh Tịnh Của giải thích chữ quẹo như sau:

Quẹo: Quanh, vạy.

Đàng quẹo. Đàng quanh, đàng trẽ.

Khúc quẹo. Khúc quanh, khúc vạy.

Quẹo về nhà. Đi theo đàng quẹo mà về nhà.

Hiểu rõ nhứt, quẹo là cong. Ông Bình-nguyên Lộc chép về đường Cống Quỳnh Sài Gòn: ”Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh cũng cong cong quèo quẹo như con phố kỳ dị ấy.”

Quẹo là gì? Người Nam Kỳ định nghĩa và xài chữ này khá rộng:

-Chỉ cơ thể không ngay ngắn: Thí dụ đau ốm quặt quẹo, tay chưn có tật quặt quẹo

-Miệng lanh lợi,nói nhiều: “Nói quẹo lưỡi “và “Dẻo quẹo”

-Chỉ hành động khi chạy xe trên đường: Bắc kêu rẽ trái thì Nam kêu ”quẹo trái. Queo là cua góc, là tẻ trái hay phải.

Ra đường nghe thằng bán hàng phát loa la làng: “Áo sale đi bà con ơi! quẹo lựa quẹo lựa!”

Ở Gò Quao Kiên Giang có Lộ Quẹo, Bến Tre cũng có cầu Lộ Quẹo.

Bà Quẹo là một trong những cái tên xứ có chữ Bà ở Sài Gòn Gia Định. Thí dụ như khu vực có lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, có dinh tỉnh trưởng Gia Định, tỉnh lỵ Gia Định ở xã Bình Hòa xưa kêu là Bà Chiểu.

Rồi mé xéo xéo Chợ Lớn khúc quận 10 có Bà Hạt, mé Tân Sơn Nhì có Bà Quẹo. Miệt Phú Lâm có Bà Hom và Bà Điểm thuộc Hóc Môn 18 Thôn Vườn Trầu.

Bà Quẹo ở làng Tân Sơn Nhì nằm trên cái đường thiên lý từ thành Gia Định lên Hóc Môn, ra biên giới Cam Bốt ở Tây Ninh. Khu Bà Quẹo có cái chợ cùng tên rất nhộn nhịp. Đường thiên lý đó xưa tên là Lê Văn Duyệt

Có người giải thích Bà Quẹo là người đàn bà có tật bán ở chợ này nên riết thành địa danh. Nói vậy không sai, nhưng không trúng, dân Nam Kỳ không chọc người có tật.

Trong dân gian Nam Kỳ đặt tên con là Quẹo đôi lúc là vui, thằng nhỏ ham nói, chứ nó đâu có cái gì quẹo trên người nó đâu.

Có giả thuyết nói Bà Quẹo là đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì đường thiên lý Lê Văn Duyệt ngày xưa và Trường Chinh nay khúc chợ Bà Quẹo có một khúc lộ quẹo xéo rất rõ ràng.

Dưới Miền Tây ngoài kêu “quẹo” thì bà con mình còn kêu “tẻ ra” khi đi đường. Xế xuống phà Vàm Cống ta có cái ngã ba Lộ Tẻ dẫn về Rạch Giá vang danh, rồi Lộ Tẻ Tri Tôn.

Lộ Tẻ là gì?Tẻ là một động từ của miệt Hậu Giang, vì bạn ở Miền Đông sẽ không biết chữ này. Tẻ tức là queo, là đâm vô đường, là rẽ như người Bắc hay nói.

Lộ tẻ là đặc trưng của đường bộ tại Lục Tỉnh Miền Tây. Như vậy lộ tẻ có thể là ngã ba, ngã bảy, ngã năm. Rồi lộ tẻ làm bạn với bùng binh và mũi tàu.

Nói về sai chánh tả kiểu Bắc,cứ nhìn cái địa danh “Cầu Giẽ” là biết liền. Theo truyền thuyết, tên gọi Cầu Giẽ bắt nguồn từ khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, tháng 01-1789 có ngừng quân tại đây và chia quân làm 3 mũi đánh giặc Mãn Thanh, nên gọi là Cầu Giẽ.

Chia quân 3 hướng, người Miền Bắc kêu là “rẽ 3 hướng”. Vậy phải là “Cầu Rẽ” mới đúng, sao lại thành Cầu Giẽ?

Tại vì người Miền Bắc một số vùng phát âm ngọng chữ “R” thành chữ “Gi”. Cầu Giẽ là một địa danh sai chánh tả.

Khảng định dân Bắc Kỳ ở một số vùng phát âm chữ R không được,nó thành chữ Gi gần hết. Người Nam Kỳ phát âm có thể từ chữ “R” thành “D” như cá rô thành cá gô, rồi thành gồi, rộng thành dộng, rõ ràng thành dõ dàng. Tuy nhiên Nam Kỳ viết luôn đúng chánh tả.

Ở chữ “R” thành “Gi” thì một số người Bắc nói và viết sai chánh tả luôn mới ghê! Họ viết giòng sông, giông bão, giòng nước, theo giòng, bèo giạt mây trôi, xuôi giòng, giòng dõi, giọc đường, Thánh Gióng. Ca sĩ hát “rồi hai mươi năm sau” thành “giồi hai mươi năm sau” gần hết.

Ở Miền Nam không hiểu vì lý do gì mà nhạc sĩ Anh Việt Thu lại viết bài Giòng An Giang?

Thấy vài nhà nghiên cứu viết “Bên giòng Sông Gianh nơi phân tranh Trịnh – Nguyễn ngày xưa”. Sông Ranh mới đúng nghĩa ranh giới, còn dòng sông thì thành giòng sông.

Nói tới đạy hên ghê! Sau 1975 Cam Ranh vẫn còn. Bình Dã ở Vũng Tàu bị thành Bình Giã từ 1954 lận!

Sau 1975 đồng loạt ngôn ngữ Miền Nam bị thủ tiêu để chuẩn. Cứ “rẽ” liên tục, cứ “đỗ xe” liên tục muốn nín thở.

Người Miền Nam đâu có nói chữ “đỗ xe”, “bãi đỗ xe”. Miền Nam chỉ có đậu xe, chỗ đậu xe, và cấm đậu xe. Miền Nam chỉ quẹo.

trong văn hóa Miền Nam là khi đi đường phải quẹo trái, quẹo phải.

Chỉ mong một số bạn Miền Nam ý thức ngôn ngữ, văn hoá của mình, nhìn và nghe trên truyền thông, ngó cái bảng chỉ đường rẽ trái phải vậy đó nhưng làm ơn mở miệng là “quẹo” dùm!

Chỉ mong các bạn trẻ Sài Gòn và Miền Nam nói cho chính xác là đậu xe. Các bậc phụ huynh cũng ngó lại con cháu mình chỉnh nó cho đúng.

Nhớ nhà sử học Trần Trọng Kim từng viết rằng:

“Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc hồn”.