Vậy là gần 50 năm, tên phường Chợ Quán đã trở lại. Một việc rất bất ngờ.

“Sài Gòn có bến Chương Dương,

Dinh Độc Lập, có đường Tự Do

Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho

Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm.”

Chợ Quán là vùng đất học vì nơi đây có tư gia của học giả Trương Vĩnh Ký, ông dạy học ở đây những năm sau chót, sau có nhà mồ của ông.

Ngã tư Trần Hưng Đạo-Trần Bình Trọng. Nhìn xéo là nhà thờ Chợ Quán, xế là khu mộ của ông Petrus Ký. Khu đất có mộ ông là của bên vợ ( Bà Vương Thị Thọ), bà gốc ở Chợ Quán, lúc đầu chưa có nhà mồ, sau con trai ông mới xây.

Ngôi nhà cổ và khu mộ của Petrus Ký nằm ở đất làng Chợ Quán ngay góc Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, chính xác tại số 520. Đi uống café ở quán Katrina xế đó phải qua khu mộ gởi xe, chúng ta bước vô khu lăng mộ của Trương Vĩnh Ký tự thấy lòng con cháu Nam Kỳ có gì đó rất kỳ lạ, lịch sử Nam Kỳ nằm lẳng lặng qua bao đổi thay của dòng đời và lịch sử, của tình người và chánh trị.

Học giả Petrus Ký có công với chữ Quốc Ngữ, cũng nên nhắc về Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tràn Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh…

Chúng ta hãy đọc lại những lời của Vương Hồng Sển nhận xét :

“Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn người xứng danh học trò cửa Khổng…”

Chợ Quán trong dòng lịch sử Sài Gòn rất đậm đà.

Ngày nay cái tên Chợ Quán đã bị lịch sử sau 1975 đè biến gần như mất tiêu, mà khi nói tới Chợ Quán các bạn trẻ sẽ khựng lại mà đôi khi không biết. Vì nhà thương Chợ Quán không còn, nhà đèn Chợ Quán mất tiêu, chỉ còn nhà thờ Chợ Quán lặng lẽ nép mình, kế đó là cư xá Chợ Quán.

Chợ Quán là tên một vùng nổi tiếng của Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định xưa, nó từng một thời lừng lẫy dấu tích của những người lưu dân khai hoang định hình nên đất Sài Gòn.

“Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau chợ Vải, mua trầu chợ Dinh.”

Địa danh Chợ Quán, Chợ Cầu, Chợ Dinh hình như là Bắc Trung Nam đều có. Tại Nam Kỳ lục tỉnh của chúng ta cũng có.

Chợ Cầu ngày nay nằm trên đường Nguyễn Văn Qúa của làng Đông Hưng Thuận. Xưa làng Đông Hưng Thuận là tên mới của cả thảy 4 làng nhập lại là Tân Đông Trung, Tân Hội, Trung Hưng và Thuận Kiều thuộc Tổng Bình Thạnh Hạ Quận Hóc Môn tỉnh Gia Định, đất này thuộc 18 thôn vườn trầu.

Sài Gòn không có Chợ Dinh. Muốn đi Chợ Dinh thì ngoắt xe đò xuống Gò Công. Chợ Dinh tức là chợ Đồng Sơn ngày nay.

“Ai qua Gò Công

Mà không ghé thăm chợ Dinh

Để nghe tiếng hò cô gái ngoài kinh.”

(Thương về Gò Công)

Vùng Chợ Quán khá rộng ở Chợ Lớn xưa.

Có cái chợ tên là Chợ Quán tức là chợ Tân Kiểng lập năm 1748 trên đất xóm Lò Rèn Thợ Vắp làng Tân Kiểng, đáng lẽ gọi là Tân Cảnh nhưng “né” ông hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh nên đọc trại thành Tân Kiểng. Chợ này nay là ở khúc Trần Hưng Đạo và Huỳnh Mẫn Đạt, chợ khá lớn.

“Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé

Người xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai.”

Sử Miền Nam chép rằng khoảng năm 1770, tại khu chợ Tân Kiểng có con cọp hung dữ thường vào làng bắt heo, bắt dê và bắt người. Một hôm gần Tết, cọp lại về. Hai sư có võ là Hồng Ân và Trí Năng đánh cọp. Tuy giết được cọp nhưng sư Hồng Ân bị thương nặng và qua đời.

Thống kê cho thấy lòng vòng Sài Gòn Gia Định thôi mờ có tới 54 cái Xóm chánh thức, thí dụ : Xóm Quán, Xóm Than, Xóm Thuốc, Xóm Trại, Xóm Bột, Xóm Bưng, Xóm Cải, Xóm Chiếu, Xóm Chùa, Xóm Cối, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Đình, Xóm Lụa…

Xóm Quán là Chợ Quán.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích xóm là một chỏm nhà ở, tương đương với một thôn.

Xóm thoạt tiên nghĩ ngay tới những cái nhà gần nhau ở một vùng quê, không phải thị thiềng. Nhưng Sài Gòn xưa vẫn có xóm. Từ cái xóm ta đọc được thuật ngữ ”xóm giềng”, chòm xóm và hàng xóm ám chỉ người chung xóm với nhau.

Chòm xóm là từ rặc văn hóa Nam. Người Lục Tỉnh kêu chòm tức là chùm, chòm xóm là những người ở chung xóm, trong những cái nhà quây quần kế bên nhau.

Từ cái xóm tới cái làng, nó lên hành chánh và lớn rộng hơn.

Vùng Chợ Quán thuộc 3 làng Tân Kiểng, Nhơn Giang (Nhơn Ngãi), Bình Yên.

Làng Tân Kiểng có danh “Xóm lò rèn thợ vắp”, làng Bình Yên sanh kế bằng nghề đổi chác với ghe thuyền từ Huế, Trung Kỳ vô Nam. Trong làng Bình Yên có cái giếng nước kê đá hộc lớn, ông Trương Vĩnh Ký thuở sanh tiền thường khen giếng này nước ngọt nấu trà thơm ngon không nước giếng nào bì.

Chơ Quán là nơi tọa lạc của nhà thờ Chợ Quán, đây là họ đạo Công Giáo kiểu Miền Nam lâu đời nhứt nhì của Sài Gòn. Giáo xứ có từ năm 1723 và nhà thờ xây lớn xây từ năm 1896.

Nhắc tới Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán chúng ta nhớ tới bà Nam Phương Hoàng Hậu vì bà có người cô thứ bảy là sơ Maria Nguyễn Thị Gương làm Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán từ 1934 tới 1940. Cô Bảy qua đời vào ngày 28/9/1944.

Nhà đèn Chợ Quán tức nhà máy nhiệt điện Chợ Quán cũng có từ 1896.

Nhà thương Chợ Quán (bịnh viện Nhiệt Đới) cũng là nhà thương lâu nhứt Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh, có từ năm 1862.

Dân Nam Kỳ dễ thương lắm! Bịnh viện kêu là nhà thương vì trong đó có nhiều bà phước chăm sóc người bị bịnh như mẹ, như chị.

Kêu nhà thương Chợ Quán vì nó nằm ở vùng Chợ Quán.

Nhà đèn Chợ Quán là nơi phát ra điện cho đèn điện nó sáng nên kêu là nhà đèn.

Chợ Quán là đất bên vợ của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898). Petrus Ký lấy vợ năm 1861, bà vợ tên là Vương Thị Thọ là con gái ông Vương Ngươn, hương chủ làng Nhơn Giang Chợ Quán.

Cuộc hôn nhơn này do linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang (Chợ Quán) làm mai mối.

Học giả Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837 –1898) là nhà văn hóa Miền Nam lẫy lừng, ông tổ của truyền bá chữ Quốc Ngữ.

Ta biết ông khi mới sanh có tên là Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký, là con lãnh binh Dominico Trương Chánh Thi và bà Maria Nguyễn Thị Châu.

Đạo Gia Tô là một tôn giáo lớn, có trật tự, có hệ thống, chánh kiến, giáo lý tồn tại hơn hai ngàn năm. Khi Gia Tô vào Việt Nam đụng độ với Nho giáo cũng là một đạo lý có hệ thống và truyền thống từ nhiều ngàn năm. Mà Nho giáo là đạo cai trị chánh trị ở VN.

Cái đụng độ theo cốt lõi là vấn đề thờ ông bà tổ tiên và chánh trị cầm quyền.

Kitô giáo xưa thờ Chúa Ba Ngôi, trong khi Nho giáo yêu cầu phải thờ tổ tiên. Thành ra có bức đạo, và tới công đồng Vatican thứ II (1962-1965) thì Tòa Thánh La Mã mới hiểu ra vấn đề và cho kính thờ tổ tiên.

Cái nữa là 3 ngôi của Nho giáo “Quân-Sư-Phụ” cùng Thiên Chúa Ba Ngôi của Ki Tô cũng hoàn toàn khác nhau .Vai trò của Hoàng Đế bị lu mờ.

Mà coi kỹ thì bản thân Trương Vĩnh Ký hồi xưa cũng Nho giáo:

“Ở đời trung đạo chớ thiên

Vui theo Nho đạo là bên chánh đồ.”

(Trương Vĩnh Ký -Sơ học vấn tân Quốc Ngữ diễn ca 1884)

Thử đọc lại một đoạn văn của ông Trương Vĩnh Ký cắt nghĩa Tam Cương ( Và ngũ thường) trong Thông Loại Khóa Trình, số 2 như sau:

“Ở dưới đời, người ta không phép sanh ra mà ở một mình cho đặng. Có cha có mẹ, có anh em chị em, bà con cô bác, có bằng-hữu, thân-quyến. Có vợ có chồng sanh con đẻ cháu ra nối dòng; thành nên gia-thất; nhiều ra, ở lan ra có xóm có làng, có huyện, có phủ, có tỉnh, có xứ, có nước, có ra như vậy thì phải có tôn-ti, đẳng-cấp, nên phải có vua có chúa, có quan có quyền mà cai-trị, gìn-giữ đùm-bọc lấy nhau cho yên nhà vững nước.

Vì vậy phải có đạo tam-cang ràng-rịt vấn-vít nhau; mà giữ phép ở với nhau cho trên thuận dưới hòa, thì mới bảo hộ nhau được

Lớn theo phận lớn, nhỏ theo phận nhỏ các y kỳ phận thì bằng-an. Vua cũng có phép buộc phải ở với tôi dân làm sao; con dân cũng có luật buộc phải ở với vua quan thể nào cho phải đạo. Cha mẹ có phận phải giữ với con-cái cách nào; con-cái có phép dạy phải ở làm sao với cha mẹ cho trọn niềm; còn chồng với vợ cũng có ngãi phải giữ với nhau cho trọn nhân trọn ngãi nữa. Đó là ba mối cả, là chánh giềng làm nên tấm lưới chắc chắn vững bền”( Hết trích)

Ông Trương Vĩnh Ký cắt nghĩa Tam Cương ( Và ngũ thường)

Petrus Ký không nhập tịch Pháp, không chịu mặc Âu phục, ông khư khư áo dài khăn đóng, không chộp lấy cơ hội làm giàu ở buổi ban đầu.

Trương Vĩnh Ký là học giả mẫu mực của đất Nam Kỳ, dù có đạo Công Giáo nhưng ông sống thanh cần như một nhà Nho suốt đời chỉ lo học thuật, lấy chuyện dạy học làm vui, không kinh doanh làm giàu , khi mất đi ông còn mắc nợ vì số sách in trước đó.

Là người học rộng, có thời gian Tây rất tin, nhưng ông vẫn giữ nề nếp của người Nho gia, không vào quốc tịch Tây, không lợi dụng cơ hội làm giàu, trong tất cả hình ảnh của ông, những lúc làm việc, đi Tây, dạy học, viết sách hay đeo huân chương trên ngực chưa bao giờ thấy ông rời bỏ bộ áo dài khăn đóng truyền thống của tổ tiên.

Khi Đốc phủ Trần Tử Ca gởi thơ hỏi tại sao ông không vào Pháp tịch, Petrus Ký đã trả lời:

“Tại sao tôi không vô dân Tây? Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu cũng như chuyện đời xưa bên Tây nói con kên kên lượm lông công giắt vào mình rồi nhảy vào bầy công.

Cách ít lâu, công khi đầu không dè, liền cắt rứt nhổ lông công đi, đánh cò bơ cò bất xơ xác đuổi đi. Túng mới lộn về bầy cũ của mình.Bọn nó biết vì kiêu ngạo muốn đánh bầy với công là giống sang, giống trọng hơn mình, nên khi nó lỏn lẻn trở về thì phân nó ra xua đuổi cắn xé xơ bơ tất bất…

Thật như vậy, không lý trời sanh tôi ra là con quạ bây giờ biểu tôi thì một hai nói tôi là con cò làm sao đặng?”

Petrus hay Jean Baptiste là tên thánh, không phải tên quốc tịch Tây, là vì ông có chịu nhập tịch Tây đâu, khăng khăng giữ cái Việt, cái An Nam từ trong máu ra ngoài.

Nội cái tánh này thôi cũng đủ hậu thế chúng ta khâm phục ông lắm rồi! Đi năm châu bốn biển vẫn áo dài khăn đóng, mang guốc vông, giữ cái búi củ tỏi trên đầu để thờ ông bà tổ tiên.

Ông thông thạo, thấm nhuần văn minh, học thuật Âu Tây nhưng vẫn giữ phong cach của một nhà nho Việt Nam.

Petrus Ký là người Công Giáo Nam Kỳ, thành thử ra giọng văn ông rặc Nam. Ông là nhà văn đầu tiên phô bày cái đặc trưng Nam Kỳ này. Ông nhận mình là con quạ đen An Nam gốc. Cả đời Petrus Ký chỉ dạy học và viết sách. về già mở một cái lều dạy học ở mé kinh Tàu Hủ.

“Thấy sao kể vậy từ đi mới về

Tiếng quê kệch dầu chê cũng chịu

Lời thật thà miễn hiểu thời thôi

Trải xem những chuyện qua rồi

Thì hay họa phước do nơi lòng người.”

Những năm cuối đời Petrus Ký lui về ẩn dật ở Chợ Quán, ông lấy việc dạy học cho đám con nít trong vùng làm vui dù sống trong cảnh tằn tiện.

Petrus Ký qua đời ngày 1/9/1898 thọ 62 tuổi, an táng ngay trên khu đất tộc góc ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng.

“Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức gửi tên con sách nát

Công danh rốt cuộc cái quan tài

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.”

Trước 1975 không phải tự nhiên mà người Quốc Gia đặt tên cho đại lộ Petrus Ky ở ngã 7, là vì nó dẫn về vùng Chợ Quán của học giả Petrus Ký.

Sau 1975 thấy Petrus Ký bị “giai cấp giải phóng” đập tơi tả.

Xin đọc lại một bài “Biện Phượng và Biện Du Vãn” in năm 1914 tại Sài Gòn của Trịnh Khánh Minh. Bài vãn theo giọng văn Miền Nam rặc, y chang những lời thơ kiểu Đồ Chiểu.

Câu chuyện xảy ra ở huyện Bình Dương, làng Nhơn Giang (Chợ Quán) tỉnh Gia Định thời vua nào không nói rõ, có lẽ là Tự Đức những năm đầu.

“Có người ở huyện Bình Dương

Trịnh ông mỹ hiệu, nghiệp thường nhu gia

Quê hương gốc tích đất nhà

Tại nơi Chợ Quán, làng là Nhơn Giang

Kết cùng Huỳnh thị bạn vàng

Tu nhơn tích đức,ơn ban phước nhà

Ông bà đạo đức hiền hòa

Trổ sanh vốn đặng vậy mà bảy con

Hai trai, năm gái vuông tròn

Tử tôn miêu duệ,nay còn dấu noi

Kính tin đạo Chúa hẳn hòi

Ơn trên Chúa cả sáng soi phù trì

Kể đây hai đứng nam nhi

Anh tên Khánh Phượng, em thì Khánh Du

Mẹ cha cũng lắm công phu

Tập tành đạo đức văn Nhu liền liền.”

Sự biến năm 1885 khi liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công cửa Cần Giờ, đánh thành Gia Định, dân tình xấc bấc xang bang:

“Khi năm Mậu Ngũ, (1858) như thường bằng an

Kỉ Vì (1859) năm ấy vừa sang

Tháng giêng mùng tám rộn ràng binh nhung

Tư bề súng nổ đùng đùng

Ai ai nghe cũng hãi hùng tâm kinh

Sau nghe mới rõ sự tình

Lang sa Đại quấc, cử binh qua rày

Tàu đồng vào cửa nhắm ngay

Ầm ầm máy chạy khói bay tối trời

Cần Giờ đồn trại các nơi

Bắn cho một hiệp tả tơi còn gì”.

Hai ông Biện Du, Biện Phượng bị hàng xóm tố giác là dân có đạo Ki Tô và có cộng tác với Pháp:

“Làm đơn lên tỉnh cáo gian

Biện Du, Biện Phượng rõ ràng đầu Tây

Bội quân phản quấc như vầy

Chúng tôi cáo bạch, ra đây tỏ tường

Hai người, hai ngựa dẫn đường

Mai Sơn đồn ấy,Tây dương phá rày.”

Quan bắt hai anh em ông Biện Du, Biện Phượng và tra tấn:

“Đánh sao dường thể khai mương

Thịt văng, máu chảy giống dường bằm nem

Mỗi người mấy chục đã thèm

Đóng gông thiết diệp dẫn đem ngục hình

Khổ hình độc dữ nên kinh

Cổ mang gông lớn, xót tình thảm thay

Chơn thì trăng vấn tối ngày

Gian nan cực khổ đắng cay trăm đàng.”

Hai ông than trách triều đình:

“Thành trì tan nát xạc xài

Đánh Tây thì dở, có tài đánh dân

Khảo tra chẳng biết mấy lần

Ngày qua tháng lại không cần nhọc công.”

Hai anh em không nhận đầu Tây, nhưng bị ép bỏ đạo Chúa thì nhứt quyết không bỏ:

“Lo bề kết án cho xong

Tra đi hỏi lại lòng vòng mất công

Đầu Tây hướng đạo dầu không

Tội không xuất giáo,khó trông khỏi rày”.

Hai anh em sẵn sàng chết vì đạo:

“Thế thường úy tử tham sanh

Chết vì đạo Chúa, thơm danh đời đời.”

Hai ông bị hành quyết ở Ổ Gà Thới Nhì, bà vợ mướn xe trâu đào xác đem về Chợ Quán.

Con Biện Phương là Trịnh Khánh Minh sau viết bài vãn này. Kết bài là mấy câu thơ nói lên đức tin:

“Cúi xin Đức Mẹ cầu thay

Biết đàng lánh tội hôm mai giữ gìn

Hầu sau lên chốn thiên đình

Ấy là quê thật trường sinh đời đời

Kính tôn Chúa cả ba ngôi

Hiệp vầy hai đứng tại nơi thiên đàng

Linh hồn rày đã hiển vang

Hằng ngày vui vẻ hỉ hoan chẳng cùng.”

Đất Chợ Quán còn có ông huyện hàm Dominique-Thomas Trịnh Khánh Tấn (1856- 1913) là người Công giáo đạo đức, gương mẫu.

Ngày nay tại hẻm 472 đường Trần Hưng Đạo (quận 5) còn ngôi nhà mồ cổ của ông bà huyện hàm Chợ Quán Trịnh Khánh Tấn. Trên bia mộ ghi rõ:

“Dominique-Thomas Trịnh Khánh Tấn, Tri huyện. Nằm huyệt này, chờ ngày sống lại hiển vinh. Sanh năm 1856. Qua đời ngày 23 Janvier 1913. Nguyện cho người này lên chốn nghỉ ngơi.”

Sanh thời ông Trịnh Khánh Tấn có soạn cuốn sách dạy thiếu nhi, nam nữ thanh niên ăn ở cho phải đạo. Đó là cuốn “Học tập qui chánh” được viết bằng thể thơ lục bát với 1.850 câu đơn giản:

“Nhi Nam, nhi Nữ, đôi đàng

Thầy khuyên học Lễ, học Văn cho thành

Cứ điều lánh dữ, làm lành

Say vui đạo vị, tánh thành con thơ

Chẳng may xao lãng bơ thờ

Song le mùi đạo bây giờ còn trông

Ăn năn trở lại thì xong

Con tin cậy Chúa, con mong thiên đàng.”

Ông huyện hàm lên án tục ăn trầu là dơ. Đọc câu thơ thấy chữ xảnh xẹ đã có cách đây hàng trăm năm rồi:

“Nết na xảnh xẹ con chừa

Trầu cau cũng phải một vừa hai khi

Ăn trầu nhển đổ dị kì

Nào cằm, nào miệng, li bì kể chi

Nhai thôi nhí nhách liền xì

Miệng mồm đóng quách coi khi đã già

Ăn trầu giỏ bậy dơ nhà

Vào trong nhà thánh cũng là không kiêng.”

Tiếc rằng sau 1975 vật đổi sao dời, địa danh Chợ Quán đã bị biến mất hoàn toàn, chỉ còn trơ trọi cái nhà thờ Chợ Quán.

Như đã nói ở trên, nhà thờ Chợ Quán là một trong những trung tâm Công giáo rặc ròng kiểu Miền Nam xưa.

Bài về Chợ Quán đã dài, xin kết thúc ở đây.