Trời có những giọt mưa đầu tiên, cái nóng Miền Nam bớt chút đỉnh rồi!

Sáng dậy bước ra khỏi hè nhà, chợt lòng nhẹ nhàng thanh thản, miệng thèm tô cháo cá lóc rau đắng vô cùng thèm!

lóc không hiếm, rau đắng không hiếm.

Cá lóc xuất hiện ở Lục Tỉnh từ hồi nào ta? ai mà biết, đẻ ra thấy nó rồi. Cá lóc bông bự, thịt nhiều mà trắng nõn, lại ngọt ngất nữa!

Cá lóc là loài cá có ở khắp Nam Kỳ, nhưng nói chung cá lóc đồng là ngon nhứt. Cá lóc sống ngoài tự nhiên không hôi, không đen, không nhớt, thịt trắng ngọt ngào và rất dai.

Món cá lóc ở Nam Kỳ chia ra làm ba món trứ danh ẩm thực Lục Tỉnh mình, cá lóc nướng trui, cá lóc kho tiêu và canh chua cá lóc, cá lóc cháo rau đắng.

Món nào cũng rau đầy hết!

Người Miền Nam khi sanh ra tới lúc chết đi không thể thiếu nước, không thể thiếu cá, không thể thiếu rau.

Ăn rau nhiều nhứt thế giới là dân Miền Nam. Ăn từ đời ông bà tới đời cha mẹ, tới đời con cháu.

Cá lóc nấu canh chua thì phải có bạc hà, đậu bắp, rau muống, bắp chuối, giá sống, rau nhút, bông điên điển, cà chua, ớt, rau ôm, quế và ngò gai cắt nhuyễn nhừ ra mới ra mùi canh chua.

Cá lóc nướng trui được thui bằng rơm ngay trên bờ đất còn thơm mùi bùn. Khi chín chặt lá chuối tươi để lót đựng cá, cuốn bánh tráng chấm mắm nêm hoặc nươc mắm chua ngọt, và một rổ rau kế bên.

“Ầu…ơ…!

Má ơi đừng đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau má nhờ

Má ơi đừng đánh con khờ

Để con thả lờ kiếm cá má ăn.”

Rau nào cũng ngon, rau nào cũng thích.

Bắp chuối xắt, cải bẹ xanh, bông bí, bông súng, khổ qua, bông lục bình, kèo nèo, rau mác, đọt choại, đọt dớn, cải trời, dây bình bát, rau trai, rau đắng, rau dừa, đọt nhãn lồng…

Cá lóc nấu cháo, món này không thể thiếu rau đắng đất.

Cá lóc làm thiệt sạch, gạo vo thiệt sạch, nấu cháo nhừ lên, sôi tăm đằm đằm.

Cá lóc đừng để nhừ quá, miếng cá chín vừa là vớt ra liền để còn ngọt thịt. Ai không thích da thì rỉa quăng da cho thịt cá trắng tinh khiết cùng hột gạo thơm nức mũi.

Cá lóc ngọt ngất, cháo cá lóc Miền Tây có nước luộc cá này để nấu cháo, nó ngọt tận xương.

Cháo sau khi chín múc ra ăn kèm với rau đắng, có thể thêm chút giá sống và ít gừng cắt sợi, ít tiêu, thêm vài lát ớt. Mà phải ăn nóng, múc ra tô cháo còn khói sợi lòng vòng trên tô.

Chấm cá lóc với nước mắm Phú Quốc. Vị ngọt của cá hòa chung vị đắng thanh của rau đắng làm vị giác người ăn không bị ngán và no hơi.

Tôi mê vị đắng của rau đắng đất lắm!

Rau đắng nhỏ xíu, bò sát mặt đất, xanh um, xanh nõn nà, tự nhiên, tự sanh, tự bén rể, tự mọc trong làng xóm Nam Kỳ vạn năm trước.

Khi tôi sanh ra tập đi đã thấy những dề rau đắng đất.

Rau đắng sống trong những khoảnh ao, trong những cái mương, hè nhà, bên hông nhà, xó bếp, bên những bờ ruộng sình bùn trơn trợt mà không cẩn thận lỡ mang dép lào là té cái đụi chụp ếch la rần.

Trời mưa rau đắng xanh um tược đọt mọc thành dề dầy cui trên bờ đê, con nít đi học về chưn không bùn đất lấm lem nhón mấy ngón chưn lên dề rau đắng.

Mưa đầu mùa vài đám, rau đắng chòi lên thấy thương, xanh một màu bất tận mát rượi trong lòng.

Rau đắng lá nhỏ xíu, cọng cũng mảnh mai gầy gò.

Kêu là đắng thì nó tức nhiên có vị chát đắng, nhờ cái đắng đó mà tốt cho cơ thể con người, đắng mát thanh lọc ,có tánh thanh nhiệt, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức, giảm lo âu và căng thẳng, chống viêm, lợi cho đường hô hấp mang lại sức đề kháng cao cho cơ thể. Còn chăm sóc làn da, hạ đường huyết, làm người ta bớt ngán cái béo của cá thịt.

Rau đắng có mặt trong nhiều món đặc trưng của Nam Kỳ như rau đắng nấu với tôm, với bầu, rau đắng cháo cá lóc, cá trê, cá bống kèo, rau đắng ăn với kho quẹt, mắm kho, lẩu mắm …

Rau đắng đã thể hiện mình, đứng với bông so đủa, bông điên điển, bắp chuối, bông sún, đọt xoài, đọt mận, kèo nèo, hẹ nước…trong ẩm thực Nam Kỳ.

Tôi luôn trân trọng và nghiêng mình cùng rau đắng và cháo cá lóc!

“Ta ăn tô cháo cá bống kèo, rau đắng

Và bỗng dưng sực nhớ miệt vườn

Con rạch nào tuổi thơ ta tắm

Mé sau hè rau đắng mọc xanh um.”

Khi đã thèm tô cháo cá lóc rau đắng, khi đã thấy vị đắng của rau đắng là ngọt, vị nhẫn của rau má là ngon, có lẽ người ta đã giác ngộ mọi thứ thiệt sâu đậm rồi?

Tình cảm là buộc lòng mình với mọi thứ quê hương.

Chúng ta buồn, chúng ta đau, chúng ta tủi.

Bình sanh tôi ghét nhứt câu “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày”. Câu đạo đức giả của những người đạo đức giả.

Trèo hái riết má tuột quần, bán tóc con ơi!

Quê hương là khế chua, là khổ qua đắng, là chuối chát, là rau đắng nồng nàn, là gừng cay muối mặn. Quê hương là sự tanh tưởi của bao âm mưu và thủ đoạn những lời nói dối vuốt mặt không kịp ngửng đầu lên.

Là những đắng cay của đời người và lịch sử.

Trong vị giác,cái âm ngọt không ai nhớ, người ta chỉ nhớ chua, chát, đắng, nhẫn….càng đi xa càng nhớ.

Tuổi trẻ của chúng ta không giàu có nhưng giàu tình cảm và may mắn là ở đâu cũng như quê mình, món nào ăn cũng ngon, càng đắng càng ngon.

Trong lòng không muốn thành một nhà văn, nhưng cứ nhắc đến xứ nào thì chúng ta sẽ rưng rưng liền, vì ở đó ngày xưa có một người ta thương, hiện tại có những lùm mả của ông bà tổ tiên ta nằm đó!

Ta yêu xứ đó vì đã từng có bước chân của người ta thương, có mồ hôi của tiền nhơn đời trước, từng góc lộ làng từng cái hẻm, từng quán nhỏ.

Quê hương là nơi có quyền lợi của ta đang tồn tại.

Người đi trước con cháu đã rất thương yêu, kẻ còn sống càng phải yêu thương nhiều hơn Miền Nam mình!

Trước bao âm mưu, trước bao thủ đoạn dằn xé, xốc xỉa mà người trong một xứ không thương nhau thì còn mau chết nữa!

Người Miền Nam vẫn dạy con cháu lòng trắc ẩn, tình thương vời vợi cao dầy còn sống mãi trong trong tâm hồn.

Những người hiểu văn hóa Miền Nam và đọc sách nhiều sẽ hiểu điều đó.

Quê hương lúc nào cũng thơm phức, quá khứ xa xăm vẫn tràn đầy trong tâm tình hoài cổ của những người Nam Kỳ.

“Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh

Hay đâu than ngún dưới tro vùi.”

Những người sống có lý có tình, biết thương biết ghét, biết vị tình người khác chắc chắn sẽ có ngày được ghi nhận, đơm bông kết trái!

Bài Nguyễn Gia Việt