Ta hay nghe rằng:
“Ví dầu cá bống kho tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư”
Rồi bài ca dao liệt kê vầy:
“Cá trê nướng, nước mắm gừng
Canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu
Cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều
Cơm bao nhiêu hột, bấy nhiêu nồng nàn”
Cá bống ở sông rạch Nam Kỳ mình có nhiều loại, tỷ như cá bống mú, bống tượng, bống cát, bống trứng, bống mật, bống sao, bống bọt, bống xệ, bống kèo. Ở những tỉnh nước lợ như Long An, Cà Mau thì có con cá bống dừa. Cá bống dừa sống trong mấy cái gốc dừa nước, bám vô bẹ dừa dày đặc. Con cá bống trứng thì nhỏ xíu, sống bám theo những dề lục bình trôi lình bình trên sông rạch theo con nước. Cá bống trứng nhỏ bằng ngón tay út, ăn bọt nước mà lớn nên bụng rất sạch.
Tháng 6 tháng 8 cứ bơi xuồng theo mấy dè lục bình, dùng rổ xúc hoặc là dùng đáy giăng trên sông,cá bống trứng đầy bụng tươi rói nhảy soi sói. Do không có dơ nên cá bống được để vào rổ, dùng lá chuối tươi chà xát cho sạch nhớt, bớt tanh rồi bỏ vô nồi đất trộn miếng đường cát, muối, nước màu dừa, nước mắm Phú Quốc rồi xốc lên bắc lên bếp chụm lửa liu riu. Khi nước vừa cạn, thấy mòi vàng vàng sệt sệt quéo quéo thì rưới thêm mỡ, cho thêm tóp mỡ, rắc tiêu hành lên cho thơm. Ăn chung với rau tập tàng và cơm thiệt nóng, mà phải chén đá Lái Thiêu nha. Nói chung cá bống nào kho tiêu cũng ngon hết, là vì thịt cá bống mềm, thơm và rất ngọt.
Về Miền Tây một chiều lành lạnh mà quết chén cơm với nồi cá bống kho tiêu, canh rau tập tàng, bảo đảm bạn sẽ quíu cả đời vì sướng.