Hiện nay đếm sơ sơ có 4 cây cầu mang tên Cần Giuộc. Tại khu vực thị trấn Cần Giuộc có 3 cầu Cần Giuộc:
-Cầu Cần Giuộc cũ nằm sát chợ Trường Bình (chợ Cần Giuộc) ngay vị trí QL 50
-Cầu Cần Giuộc ở đường tránh QL 50
-Cầu Cần Giuộc mới xây bắt qua xã Phước Lại
-Trên đường Nguyễn Văn Linh khu Bình Chánh Quận 7, xế khu Trung Sơn có cầu Cần Giuộc
Cầu Cần Giuộc cũ, tức cầu đầu tiên được Pháp bắt bằng sắt là nằm sát chợ.
Trong cuốn “Hạnh phúc lối nào” Hồ Biểu Chánh tả:
“Ở trên Chợ Lớn đi xuống Cần Giuộc, khi gần tới dốc cầu đúc bắt để qua chợ, nếu các bạn lưu ý thì tự nhiên các bạn sẽ thấy bên phía tay mặt có một thớt vườn xum xê, nằm cách công lộ chừng một trăm thước”
Xứ Cần Giuộc nguyên thủy đi vô phải bước qua cái cầu đúc mà kế đó là chợ Trường Bình xưa mà nay là chợ Cần Giuộc
Cầu Cần Giuộc có nhiều, thành ra nếu ghé Cần Giuộc mà hỏi “Làm ơn chỉ tôi tới cầu Cần Giuộc!” thì người chỉ phải tốn một hồi giải thích
Sông Cần Giuộc hay sông Rạch Cát, sông Phước Lộc là một dòng sông nhỏ nhưng chảy qua địa phận Sài Gòn (quận 8 và Bình Chánh) rồi qua Cần Giuộc trổ về Cần Đước giáp với sông Soi Rạp và Kinh Nước Mặn ở Long Hựu Cần Đước
“Bình Tây, Rạch Cát ghe nhiều
Gò Đen, Rạch Kiến, Rạch Đào chợ sung”
Chữ “Cần” trong văn hóa Miền Nam với Cần Thơ, Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Lố, Cần Vọt, Cần Đốt, Cần Thay…
Cần Giuộc là cái tên có xuất xứ Khmer, nguyên bản là Kantuot, nghĩa là cây chùm ruột
Ai ở Nam Kỳ ai cũng biết cây chùm ruột, thứ cây có trái xanh vàng mọc từng chùm đặc đeo trên nhánh
Ông học giả Trương Vĩnh Ký ghi: “Cần Giuộc, ngôn ngữ Môn-Khmer gọi là Srôk Kantuôt”
Kantuôt là cây chùm ruột. Địa danh Cần Giuộc bắt đầu từ con sông mà còn có tên là Rạch Cát hoặc sông Phước Lộc. Trương Vĩnh Ký giải thích chữ Miên Prêk nghĩa là con rạch thì chữ Prêk Ksach là Rạch Cát
Rõ nhứt trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Đồ Chiểu có chữ chợ Trường Bình:
“Đoái sông Cần Giuộc,cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ.”
Cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của ghi là Cần Duột
Học giả Vương Hồng Sển viết rằng Cần Giuộc được ghi Cần Giộc hoặc Cần Duột:
“Nguyên trước là một quận của hạt Chợ Lớn, sau tách qua địa hạt Tân An, đổi gọi quận Thành Đức, và xưa hơn nữa đó là huyện Phước Lộc của tỉnh Gia Định. Cần Giuộc đời xưa có làng Thanh Ba là nơi cụ Đồ Chiểu mở trường dạy học và cũng là quê hương của cụ bà”
Người Miền Nam không nói ra âm chữ “gi”. Chúng ta dân Miền Nam, thiệt sự để bụng những ai viết là “Giòng sông Cửu Long”,”Giòng sông Vàm Cỏ”. Dòng sông mới đúng
Người Miền Nam luôn viết đúng là “dòng sông”, “dòng đời”,”dông bão”, “dòng nước”, “dọc đường”, “cơn dông”
Người Bắc phát âm R và D không được,nói và viết thành chữ Gi gần hết. Một cái tên không dính gì âm Bắc nhưng rốt cuộc bị ghi tên âm Bắc là Cần Giuộc
Chẳng biết nhân vật nào biến Cần Duột thành Cần Giuộc. Cái chữ Cần Giuộc mà cái âm gi dân Nam Kỳ đọc không chuẩn, cứ đọc Cần Duột và Cần Duộc
Cái tên Cần Giuộc bắt đầu từ con sông chảy qua chợ Trường Bình mà nó còn có tên là Rạch Cát. Cho nên Hồ Biểu Chánh biểu phải bước qua cầu đúc mới tới xứ Cần Giuộc
Sông Rạch Cát chảy từ quận 8 xuống Cầu Ông Thìn đi qua chợ Trường Bình thẳng xuống ngã ba Kinh của Cần Đước chổ đồn Rạch Cát
Thời vua Minh Mạng trong lục tỉnh, đất Cần Giuộc thuộc tổng Phước Điền, huyện Phước Lộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định
Cần Giuộc thuộc tổng Phước Điền. Cần Đước khi đó thuộc tổng Lộc Thành
Năm 1899 Pháp lập tỉnh Tân An, rồi lập tỉnh Chợ Lớn theo địa lý là cắt phần phía nam Tân An. Chợ Lớn có 4 quận: Ðức Hòa,Trung Quận (Gò Ðen), Cần Giuộc, Cần Ðước
Thời đệ nhứt cộng hòa TT Ngô Ðình Diệm xóa tỉnh Chợ Lớn, đổi tên tỉnh Tân An thành Long An, nhập Gò Đen, Cần Giuộc, Cần Ðước về Long An, lấy đất quận Mộc Hóa lập ra tỉnh Kiến Tường, lập thêm quận mới Bến Lức, Tân Trụ, và Rạch Kiến
Long An gồm 7 quận: Cần Giuộc, Cần Ðước, Rạch Kiến, Bến Lức, Thủ Thừa, Bình Phước (Tầm Vu), và Tân Trụ
Cần Giuộc không xa
Từ cầu Nhị Thiên Đường bạn chạy thẳng về dưới qua cầu Ông Thìn chừng một hai km là tới đất Cần Giuộc
Cần Giuộc bắt đầu từ Tân Kim xuống ngã ba Trị Yên, qua cầu Cần Giuộc xuống Trường Bình, qua Kế Mỹ, ngang cầu Mồng Gà, Vĩnh Nguyên, tới ngã tư Chợ Trạm là hết đất Cần Giuộc, trổ qua Chợ Trạm là qua đất Cần Đước.