"Ăn tùm lum" - Alex và Hoa

Theo dõi rất thường hai vợ chồng Alex và Hoa ở Pháp, có nhiều cái rất vui, đời thường. Hoa đem ẩm thực Việt Nam vào nhà chồng bên Pháp. Alex nói Tiếng Việt rặc Miền Nam, nói chữ R rất rõ ràng. Nay còn biết “ăn tùm lum” thì chánh gốc rể Nam Kỳ rồi nghen!

Hai vợ chồng này vừa về Sài Gòn ăn Tết, cho gởi lời khen nè!

Cho mượn cái hình, có chữ ăn tùm lum minh hoạ bài này nghen!

Ăn tùm lum là ăn nhiều, ăn dễ, cái gì cũng ăn đặng.

Huỳnh Tịnh Của giải thích chữ tùm lum là “tủa ra, bủa ra bốn phía, thường nói về cây cỏ.”.

Vậy tùm lum là xuất xứ từ mấy cái bụi cây, lùm cây. Tùm là từ chữ um tùm, người Miền Nam kêu cây cối um tùm, lùm xùm là cây quá rậm rạp.

Tùm lum là bốn phía, là tộng khắp, là cái gì cũng dính cũng đụng. Đi tùm lum là đi mọi nơi, ở đâu cũng gặp. Sau có đi tùm lum tà la. Đi tùm lum thì sẽ có “đực cáp chum chùm li”.

Ăn tùm lum là cái gì cũng ăn, cái gì cũng biết ăn, dễ ăn, không quá kén chọn.

Có một chữ nữa người Miền Nam cũng xài có nghĩa ở đâu cũng gặp ăn gì cũng đặng là “tung tung beng”.

Ông cố rầy thằng Tí:

-Sao cố thấy con cái gì cũng ăn được vậy? Ăn tung tung beng có ngày đau bụng nha con!

Lung tung beng là từ chữ lùng tùng xèng của tiếng trống mà ra. Các bạn còn nhớ ông Tiều mãi võ Sơn Đông trong phim Đất Phương Nam?

Ông Tiều mãi võ, nghề Sơn Đông mãi võ bán thuốc cao đơn hoàn tán là nghề nói dóc, có 1 nói 10. Đất Phương Nam đã nói rõ, lý giải cái nhìn dân gian của người Miền Nam với những ông Sơn Đông mãi võ này qua giọng đọc thơ chọc của ông Ba Ngù:

“Hahaha!
Ông Tiều!
Tả lầu linh, tả lầu linh
Cái lày San Lông Mãi Dỏ à!
Cờ lùng tùng xèng
Đánh chó chạy cờ
Từ nhỏ đến dờ
Chuyên nghề nói dóc
Cao đơn hoàn tán
Thuốc dán con cò
Càng uống càng ho
Uống nhiều chết ngắt.”

Cái chữ “tùng tùng xèng” là nhại tiếng đánh trống mãi võ.

Huỳnh Tịnh Của giải thích chữ lung tung là: “tiếng trống đánh, tiếng la lên mà cười ai mắc việc chi lúng túng.”

Nhưng người Nam Kỳ sau này nghĩ lung tung là nghĩa hơi tiêu cực, tức là chộn rộn không đằm thắm, không ăn coi nồi ngồi coi hướng.

Chữ lung trong văn hoá Nam Kỳ có nghĩa là nhiều. Thí dụ coi truyện Hồ Biểu Chánh ta thấy chữ “nhớ lung lắm”, “sợ lung”, “thương lung”, “giận lung”, “nói lung”, “hao lung lắm” thì chữ lung đều có nghiã là nhiều.

Lung ở vài nơi còn là vùng đất ngập nước, Lung là một vùng đất thấp, trũng, hoang vu đầy lau sậy, thí dụ Lung Ngọc Hoàng ở Hậu Giang, Lung Tràm có ở Cà Mau và Cần Thơ.

Xem thêm trên kênh Hoa và Alex – Cuộc sống Pháp