Chúng ta lớn lên với cái võng và cái nôi mà mẹ, má, bà ngoại, bà nội ru chúng ta để mà lớn lên.
“À ơi!
Tiếng võng đong đưa chiều mưa mẹ ru con ngủ
Con hời, con ngủ cho ngoan
Ngọt ngào tiếng ru ầu ơ..!”
Tiếng võng cót két giữa đêm khuya, những lúc trở trời nắng nóng hừng hực, tuổi thơ ai cũng nhớ.
Cái võng là thứ gắn bó gần gũi với người Việt nhứt nhì. Khi sanh con ra,người Việt ru con ngủ bằng cái võng.
Nhạc sĩ Bắc Sơn khi về già hồi tưởng lại trong bài “Ngủ bên chân mẹ” và “Còn thương góc bếp chái hè“.
“Bởi vì chưn nơi đó… ơ… ơ… ơ!
Từng nhịp đong đưa, nhịp nôi tiếng võng buồn
Mẹ ơ… ầu ơ… ơ ầu… ầu ơ…!”
Tuổi thơ con lớn lên bên nhịp võng đưa kẻo kẹt qua những lời ru con nghe buồn thúi ruột.
Nhiều khi má đang nấu cơm hay may vá, một sơi dây nối dài từ võng buôc vào chân má,cứ một đỗi má lại kéo dây đưa võng cho con ngủ, kéo thường vì muỗi mòng, mà nhịp võng ngưng là con lại khóc lên.
“Gió thổi năm non lắc võng đưa con
Khói tỏa niêu cơm tóc xoã trên nương
Cây lúa trổ đồng đồng
Con cò trắng bay trọn đêm
Con cò trắng nuôi đàn con “
Một bài hát ru thường là mấy câu thơ lục bát, thêm tiếng đưa hơi cho bé mau ngủ.
Người Miền Bắc thì “à ơi!”, người Miền Trung thì “ạ ơi!”. Còn người Miền Nam chúng ta thì ầu ơ ví dàu.
“Ầu ơ chớ …!
Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng
Dầu ai thêu phụng vẽ rồng
Ầu ơ !
Dầu ai thêu phụng vẽ rồng cũng không
Ai mắc võng ngoài hiên dỗ em
Giọt nắng xen rắc bên thềm
Cho ta thương nhớ góc trời mẹ quê
Còn đâu nữa tiếng ra hắt hiu bên thềm
Và nhịp võng suốt đêm tiếng ru hao mòn “
Người Miền Nam nào cũng thuộc nhiều bài ru con rất quen thuộc, thí dụ:
“Ầu ơ!
Trồng trầu thời phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”
Nhiều bà vợ hát ru cũng câu trên nhưng thay chữ thì thành ra một câu trách cứ bạn lòng.
“Ầu ơ!
Trồng trầu thời phải khai mương
Làm trai hai vợ sao thương không đồng”
Bụi chuối sau hè và anh mê bợ bé:
“Ầu ơ!
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm, tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông”
Cầu tre và mẹ dắt con đi:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”
Người mẹ cứ ầu ơ và ví dầu rồi đọc thơ lục bát là thành câu hát ru:
“Ầu ơ!
Ví dầu nhà dột cột xiêu
Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn”.
“Ầu ơ!
Đố anh con rít mấy chưn
Cầu ô mấy nhịp,chợ Dinh mấy người
Mấy người bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim”
Hát ru đơn giản, cứ hát hoài, hát tới khi đứa con ngủ là xong. Nhưng hát ru là nghệ thuật truyền thống dạy đỗ người Việt Nam từ khi còn đỏ hỏn. Những câu thơ dân gian đó là kim chỉ nam dạy con nhớ hoài, cái tình yêu xứ sở quê nhà, cuộc sống xóm làng và tình thương của má.
Chợt nghe một điệu nhạc như vầy:
“Con ơi à ơi!
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi Nam non
Bao nhiêu hưng vong
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay”
Giai điệu ”Rồi hai mươi năm sau” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng làm người ta ray rứt.
Nhạc sĩ Lam Phương viết “Đèn khuya” thì nhắc mẹ:
“Mưa ơi !
Mưa ơi !
Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu”
Người Miền Nam kêu mẹ là má.
Chữ má là chữ thiêng liêng trong lòng mỗi người con Nam Kỳ Lục Tỉnh. Người Miền Nam vẫn kêu mẹ, nhưng chữ má là chữ tím ruột bầm gan, chữ thương yêu còn hơn chữ mẹ.
-Má ơi…con về đây má ơi!
-Má ơi má! má đâu rồi má!
Nhớ hoài những lúc má ẳm bồng, những lúc má ru mình ngủ, những lúc chờ má đi chợ về, những lúc má lui cui đốt lò nấu cơm chiều dưới chái bếp quê nghèo.
“Người Phương Nam say thì say trọn
Người Phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu”.