Bài: Nguyễn Gia Việt
Vậy là đã vô mùng 10 Tết, cái mùng cuối cùng của Tết.
Thấy mọi người nghe lời truyền thông cứ nói mùng 10 dân Nam Kỳ cúng Thần Tài, dân ào ào mua vàng lấy hên, tiệm vàng không còn vàng để bán, nghe riết thành quen.
Với người Nam Kỳ Lục Tỉnh ngày mùng 10 rất quan trọng, nó không phải vì Thần Tài. Những ngày Tết ở Miền Nam nhìn kỹ rất đơn giản trong cúng tế và ăn Tết.
– Ngày dựng nêu là 20 tháng Chạp, có nhà từ 23 tháng Chạp.Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng.
– Chiều 23 tháng Chạp đưa Ông Táo chầu trời. Chiều 30 đón ông về.
– Ngày 25 tháng Chạp tảo mộ ông bà.
– Ngày 28 kho thịt kho nước dừa, hầm nồi khổ qua.
– Ngày 30 làm lễ đón ông bà về nhà. Bắt đầu cúng cơm ngày hai bữa.
– Mùng 3 Tết làm gà cúng Tết nhà, Tết vườn, Tết trâu. Mùng 3 làm lễ kiếu ông bà
“Ăn mừng năm mới
Chữ an, chữ thới
Dán trước hàng ba
Phú quới vinh hoa
Dán vô trước cửa
Tài lợi lộc phước
Dán trước hàng nhì
Vạn trực duy tân
Dán vô trước cửa”
Và mùng 10 Tết, cái mùng cuối cùng của Tết là ngày cúng đất đai, cúng chú Thổ, tri ơn người lưu dân mở đất Lục Tỉnh xưa chứ không phải vía thần tài. Lịch sử Nam Kỳ quá trẻ, quá gần, không có nhiều quá khứ, nhưng quá khứ huy hoàng.
Bản chất dân Nam Kỳ đôn hậu mộc mạc. Hồi xưa dân Nam Kỳ thích ở ruộng vườn nên để thương trường cho người Tàu thao túng. Từ lịch sử Nam Kỳ, có nhiều người thắc mắc vì sao người Tàu lại nắm kinh tế, nền thương mãi của Nam Kỳ, trong khi người Nam Kỳ suốt ngày lo làm ruộng, làm vườn. Tàu lập chành lập vựa, xuất khẩu, nắm luôn tiệm tạp hóa, lũng đoạn thị trường, duy trì độc quyền, đầu cơ tích trữ, làm giá, đút lót, mua chuộc nhân sự trong chánh quyền làm giàu bất chấp thủ đoạn.
Nguyễn Chánh Sắt giải thích vầy:
“Trong Nam Kỳ dân ít mà đất đã tốt lại nhiều, thì tất nhiên dân chẳng cần phải lo làm nghề chi khác nữa, chỉ chuyên lấy một nghề nông thì cũng đủ mà kinh dinh sự nghiệp. Xưa nay người Nam Kỳ không lo thương mãi và công nghệ là bởi cớ đó”.
Người Nam Kỳ mình không luông tuồng, chuyên về ruộng vườn. Sống bên những ruộng lúa quằn bông nặng hột, có đám lúa chín vàng, có đám còn vừa mới ửng vàng nửa hột chen chúc trong đám lá xanh rì.
Nhà văn Sơn Nam trong
“Cơn chuyển mình trước và sau Âu châu đại chiến” ghi: “Vào khoảng năm 1875 đến năm 1880, dân số Nam kỳ hơn 1.620.000 người, diện tích trồng tỉa là 520.000 mẫu, tính đổ đồng, mỗi người sản xuất được 518 kí lô lúa”.
Cuộc khai phá Nam Kỳ là vì tìm đất mới, đất đai luôn là ước mơ của nhiều lưu dân. Ông bà ta khẩn hoang, phát đất rừng, bồi đất trũng thành khoảnh vuông vức mà làm ruộng. Ruộng Nam Kỳ là ruộng dây, ruộng mẫu. Nhà có chừng 500 mẫu điền là nhà giàu rồi, mà người Nam Kỳ có vài trăm, vài ngàn mẫu điền nhiều vô kể. Nghề làm ruộng ở Nam Kỳ là nghề hái ra tiền, có một lớp điền chủ rất giàu có sống bằng nghề này, bao nhiêu người tá điền sống nhờ gieo mạ, cấy lúa, đập lúa, vác lúa, làm mướn.
Chúng ta dân Nam Kỳ kêu là “điền chủ” chứ không phải là “địa chủ” như ngoài Bắc là vì sao? Điền chủ thoáng và ở mức độ dễ chịu nhiều hơn “địa chủ”. Ngoài Bắc địa chủ đồng nghĩa với cường hào ác bá, mức độ khốc liệt vì đất Bắc ít mà lại có nạn nhân mãn, cộng với thói quen “lũy tre làng”, hương ước, dòng tộc, dân thủ cựu dân ngụ cư khắc nghiệt. Nam Kỳ có tá điền, nếu không mướn ruộng bà này thì qua xứ khác mướn đất ông kia, làm gì có cảnh máu me, dồn nén như ngoài Bắc.
“Xứ Nam kỳ nầy là một xứ đất rộng dân thưa. Đã vậy mà ruộng đất lại cao du, từ sông Bến Lức, Vũng Gù thẳng xuống giáp Vịnh Xiêm, chẳng luận là tỉnh nào, hễ phát cỏ gieo mạ thì tới mùa lúa đổ đầy vựa; chớ khỏi tốn tiền mua phân mà vãi trong ruộng, lại cũng khỏi đắp bờ rồi cả ngày phải cong lưng mà tát nước dưới ruộng thấp đam lên ruộng cao; như thế thì dân Nam kỳ làm ruộng sung sướng là dường nào”
(Nguyễn Chánh Sắt 1919).
Cái mục đích đầu tiên của tổ tiên ta là làm ruộng kiếm hột lúa đặng nuôi con, để sống ấm no. Nói tới dân Lục Tỉnh xưa rày chỉ nghe nhắc tới những người chỉ biết lo làm ruộng, làm vườn, đi làm ruộng hò vang trời, đọc thơ Vân Tiên, tối vác cây đờn ra tăng tẳng đờn ca tài tử, hát cải lương, rồi ba chưn bốn cẳng chạy đi về đình khi nghe trống thúc thùng thùng vì say mê hát bội.
Mùng 10 từ ngày ban đầu được định ra là cúng Đất, là Tạ Ơn. Rất hợp lý, Tết có mùng 9 là ngày cúng Trời, mùng 10 cúng Đất, còn tất cà các mùng khác là vì tổ tiên, ông bà, là chữ Nhân Con Người. Cái quan niệm Thiên-Địa-Nhân ngẫm quá trúng.
Người Miền Bắc có ngày 23 tháng Chạp là cúng “Ông Công Ông Táo”, tức là cúng Táo Quân và cúng luôn Thổ Công. Dân Nam Kỳ thì 23 tháng Chạp chỉ đưa Ông Táo, còn Đất (Thổ) thì cúng riêng ngày mùng 10.
Ngày đó bà con Nam Kỳ mình có tục sẽ làm một mâm cúng cho vị thần thích ngồi ở cái bàn thờ “sát đất” ngoáy đầu nhìn ra cửa chánh, đó là đất đai, là Ông Địa. Mâm cúng đó gồm bộ tam sên như tôm, cua, hột vịt, thêm dĩa bún tươi, dĩa rau sống, dĩa trầu cau, đặc biệt Nam Kỳ gốc phải có cá lóc nướng trui.
Nhiều người kêu mùng 10 cúng Thần Tài, tôi cực lực bác bỏ và phản đối. Nhìn cách cúng thì biết không phải cúng ông Thần Tài rồi. Thần Tài là một sản phẩm của người Tàu và sau này được đem vô thờ “ké” chung với Ông Địa thôi.
Có những câu hỏi kỳ cục kiểu: “Vì Sao Mọi Người Thường Cúng Cá Lóc Trong Ngày Vía Thần Tài?”. Và trả lời cũng kỳ cục kiểu: “Từ xưa người dân miền Nam đã coi cá lóc là loài vật mạnh mẽ, mang đến may mắn, lộc vận trong năm mới. Vì vậy, cá lóc nướng trở thành lễ vật được nhiều người dân miền Nam chọn để cúng tiến trong ngày vía Thần Tài”.
Cá lóc nướng trui là của chú Thổ. Vì lịch sử Tàu cũng chưa nói tới Ông Thần Tài nào ngồi dưới đất ăn cá lóc nướng trui hết. Trong nhà người Nam Kỳ có Ông Địa tượng trưng cho đất, ngồi bàn thờ sát đất mà ngoài Bắc, ngoài Trung và người Hoa ở các nước khác không hề có tục này. Cá lóc nướng trui là món đặc trưng của ông bà Nam Kỳ mình từ thời khẩn hoang xa xưa.
Con cá lóc dưới sông, dưới ruộng còn nhảy xoi xói dưới đìa bắt lên để nguyên con còn đủ ruột gan, vảy cá. Rồi cắm cái cây vô họng nó dựng đứng lên, phủ rơm thui cho nó chín. Khi chín để nguyên con bỏ vô dĩa và đặt trước bàn thờ Ông Địa cúng mùng 10. Có thêm dĩa bún, cùng các loại rau. Cúng xong ăn cá lóc nướng trui với bánh tráng quấn cùng các loại rau dân dã như rau rừng như lá cóc, rau nhái, diếp cá, ngò gai, hẹ, quế vị, lá lụa, trâm ổi, lộc vừng, đọt kim cang, sộp, lá cách, bứa rừng, bứa sông, đọt chiếc, mặt trăng, bằng lăng, trâm sắn cùng với chuối chát, thơm, xà lách, dưa leo và phải chấm nước mắm hoặc mắm nêm
Nướng trui là gì? Là trui trong lửa, trong than nóng. Nó như con dao trui trong lửa đỏ vậy. Cá lóc nướng trui là món thuộc trường phái ẩm thực khẩn hoang Miền Nam. Từ ẩm thực dân gian con cá lóc nướng trui của lưu dân Lục Tỉnh xưa đã lên bàn thờ mùng 10 để thành phong tục tập quán.
Nguyên thủy thì tục mùng 10 là cúng chú Thổ, tức đất đai. Người già Nam Kỳ vẫn kêu cúng mùng 10 là cúng đất đai, cúng Tết đất, Tết nhà Bao đời nay, từ đời ông bà cố tổ, ông bà sơ ông bà cố, ông bà nội ngoại, đời cha và đời con đều như vậy. Biết ơn mảnh đất cho ta có cơm ăn, áo mặc, mảnh đất làm ruộng vườn, mảnh đất cất nhà, mảnh đất chôn ông bà mình. Những khoảnh ruộng Nam Kỳ có lác đác vài lùm mả là bằng chứng vậy.
Mái nhà Miền Nam um khói chiêu lan tỏa đặng cả nhà đề huề bên mâm cơm đơn sơ với rau cải, tôm cá. Không cao lương mỹ vị, nhưng tràn đầy niềm yêu thương của gia đình. Người Nam Kỳ kêu con lớn là anh hai, không có anh cả, số hai là lớn nhứt vì dân Nam Kỳ đi khai hoang đất, lấy quẻ Thuần Khôn (đất) làm trọng.
Cúng chú Thổ tức cúng chủ đất, cũng là gợi lên hình ảnh người chủ đất cũ là người Khmer (Người Thổ). Món cúng bắt buộc là con cá lóc nướng trui, sau này có bộ tam sên. Chú Thổ ăn bốc, thành ra nguyên mâm cúng đâu có đôi đũa hay muỗng nĩa gì.
Chú Thổ gợi ta điều gì? Nam Kỳ xưa còn được ông bà mình kêu là xứ Đàng Thổ vì đất Nam Kỳ vốn trên danh nghĩa là đất của người Khmer. Nói “danh nghĩa” vì Nam Kỳ vốn đất của Phù Nam, sau đó Khmer tuyên bố chủ quyền nhưng dân sống trên đất này rất ít thành ra đất Nam Kỳ xưa gần như vô chủ. Nhưng khi vô trong này, người Việt đã gặp người Khmer bổn địa tóc quắn, da đen, mắt có khoen, đó là người đang sống ở đất Nam Kỳ. Lưu dân Nam Kỳ tìm đất mới đã rất kiên trì, mềm dẻo, hiền hòa. theo lẽ sống an vui, thân thiện và khả năng thích ứng tốt.
Người Nam Kỳ đi khai hoang đất, tìm đất mới để sanh tồn mà tạo ra văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh nên đất trong tâm linh xứ này vô cùng quan trọng. Chúng ta nhớ trong những đám cúng kiếng của Nam Kỳ luôn có mâm đất đai, bàn thờ luôn có Ông Địa ở giữa nhà. Văn minh Nam Kỳ là văn minh miệt vườn, là di dân mới nên cúng đất quan trọng lắm. Người mình có buôn bán giống người Tàu đâu mà cúng thần tài đặng mà “mong ước” mua một bốn lời, giàu nứt trứng.
Sau này ảnh hưởng người Tàu nên có thờ thêm ông thần tài chung với ông địa, và nhiều người nói cúng mùng 10 là vía thần tài là sau này thôi. Thêm thắt thần tài là cho “ăn ké” chú Thổ rồi bắt chước người Tàu cúng cây mía, sau đó hớt luôn ngày mùng 10 thành “ngày vía thần tài” giống như đảo chánh đất đai vậy.
Nhiều người nói cúng bộ tam sên là của ông Thần Tài cũng không đúng. Tam sên cua, tôm và hột vịt luộc cũng là lễ vật cúng đất, bằng chứng là khi động thổ xây nhà và trước khi hạ huyệt chôn cất người chết thì người Nam Kỳ cũng cúng bộ tam sên.
Người Mỹ có ngày Tạ Ơn diễn ra vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 thì Lục Tỉnh mình có ngày Tạ Ơn vào Mùng 10 Tháng Giêng. Cúng đất là cúng tạ ơn đất đai cho một mùa bội thu, cho nhà cửa an bề và ghi nhớ những người khai khẩn đã chết trong quá trình hình thành đất Nam Kỳ. Chú Thổ có hình ảnh là Thổ Địa và Ông Tà Nam Kỳ là gốc người Khmer.
Cúng cá lóc nướng trui ngày Mùng 10 là một phong tục của người Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa nay. Đó là món ăn nhắc nhớ nguồn gốc khẩn hoang thời ông bà mình còn làm lưu dân khai khẩn.
Tổ tiên ta là ai? Trước tiên là ông bà cha mẹ trực hệ sanh ra ta, rồi những người đang ngồi trên bàn thờ giữa nhà đó. Xa hơn, là tất cả những người Miền Nam đi trước đã gầy dựng, bảo vệ, giữ và đòi quyền lợi chánh trị cho mảnh đất này.
Nhà văn Bình-nguyên Lộc dạy rằng:
”Một quê hương phải bắt nguồn trong một dĩ vãng lâu đời mà nước mắt và nụ cười của bao thế hệ đã ràng buộc con người vào đất, vào vật, vào người. Đất, có ở lâu, tình đất mới sâu”.
Nói gọn lại là đất Nam Kỳ không phải tự dưng trên trời rớt xuống cái chủm cho người Việt, đất này gốc của Phù Nam rồi Khmer và người Việt phải trầy vi tróc da giữ nó, khai phá nó mới có cơm gạo.
Xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh gần như là một thế giới riêng biệt. Người Miền Nam có giọng nói và cách nói riêng biệt, ẩm thực huy hoàng, có quan điểm sống, nhìn nhận cuộc sống và tư duy dân chủ, tự do cũng khác. Chúng ta tự hào là con cháu của Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Thủ Khoa Huân, Quản Lịch Nguyễn Trung Trực, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu …
“Canh trắng, chong đèn soi quá khứ
Viết đời biển lặng tiếp sông trong”.
Người Miền Nam chúng ta cúng mùng 10 tháng Giêng là cúng đất đai, tri ơn lưu dân khai mở đất chứ không phải vía thần tài và ào ào đi mua vàng.