Mùng 5 tháng 5 không quan trọng với người Miền Nam nhưng có hai món ăn ai cũng nhớ: Bánh ú lá tre và bánh xèo thịt vịt.
Có thể nói ngày mùng 5 tháng 5 Đoan Ngọ có ý nghĩa với cộng đồng Việt Miền Nam gốc Hoa thôi Còn người Miền Nam khác coi đó là ngày bình thường, có lạ là được ăn thêm vài món cho vui
Ngày mùng 5 tháng 5 được gọi là “Tết nửa năm“
Tết mùng 5 tháng 5 âm lịch xuất phát từ các bộ tộc Bách Việt làm lúa nước, nó là ngày giữa năm. Thời tiết chuyển mùa nóng nực bức bối nên dễ sanh bịnh dịch cho người, cho lúa trên đồng, cho nên người Việt cổ gọi là Tết giết sâu bọ
Các bạn để ý mà coi, ngày này ruồi ở đâu xuất hiện kinh khủng ở trong nhà
Tại miệt dưới Nam Kỳ chúng ta gọi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày “nước quay” vì tới chu kỳ nước ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về làm nước sông trở thành đỏ ngầu phù sa, gặp nươc từ trong đồng trổ ra tạo thành nước xoáy
Từ mùng 5 tháng 5 là ngày bắt đầu lũ về từ từ tới rằm tháng 8
Với người Việt thì mùng 5 tháng 5 không quan trọng về lễ nghi cúng kiếng. Nói chung tàm xàm cho nó vui cửa vui nhà, ăn cái bánh ú lá tre cho vui miệng
Người Tàu cũng học hỏi mùng 5 tháng 5 của người Bách Việt, nhưng “sáng tạo” hơn, họ ráp nó vô ông Khuất Nguyên
Khuất Nguyên là một vị đại thần của nước Sở thời Chiến Quốc. Do can ngăn vua không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức nhảy ùm xuống sông Mịch La tự vẫn đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch..Trước khi chết ông làm bài thơ dài “Ly tao” kể lể nỗi lòng
“Thôi than tiếc làm chi cho cực!
Biết ta đâu một nước không người.
Chính lành làm sức với ai,
Bành Hàm đâu đó ta thời đi theo”
Người Tàu gọi mùng 5 tháng 5 là “Đoan Ngọ” để cúng Khuất Nguyên. Nên nhớ địa giới nước Sở là xứ Bách Việt xưa
端午 Đoan Ngọ có nghĩa là chánh ngọ, tức 12 giờ trưa phải không?
Không phải
Tết “đoan ngọ” 端午 trong đó chữ 端 Đoan là sự mở đầu, 午 Ngọ có nghĩa là giữa năm
Đoan là mở đầu, Ngọ là tháng 5. Đoan Ngọ tức là ngày đầu tháng 5
Vì sao nói mùng 5 tháng 5 là Tết giữa năm, trong khi coi lịch âm còn những 7 tháng nữa mới hết năm?
Vì xưa ta xài lịch âm, âm lịch là lịch mặt trăng. Mà Lịch Âm được Việt tộc xưa kêu tên các tháng như sau:
“Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười”
Tức là tháng thứ 11 trong năm tính từ Tết Nguyên Đán gọi là tháng Một, còn tháng đầu tiên trong năm là Tháng Giêng chứ không phải tháng 1
Nói vầy dễ hiểu nè :
Lịch Xưa: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười
Lịch Dương: Tháng 1, Tháng 2, Tháng 3, Tháng 4, Tháng 5, Tháng 6, Tháng7, Tháng 8, Tháng 9, Tháng 10, Tháng 11, Tháng 12
Người Việt quen gọi tháng 11 là tháng Một (Đầu năm) nên trong Âm lịch qua tháng 12 kêu là Tháng Chạp, và tháng đầu năm là Tháng Giêng
Ngày nay chỉ còn Tháng Chạp và Tháng Giêng là còn nghe kêu tên khi Việt Nam đã xài lịch theo kiểu Tây Phương
Các tháng trên tương ứng các chi là:
Tý(Một), Sửu(Chạp), Dần(Giêng), Mẹo(Hai), Thìn(Ba), Tỵ(Tư), Ngọ(Năm),Mùi(Sáu), Thân(Bảy), Dậu(Tám), Tuất(Chín), Hợi (Mười)
Tháng Dần là tháng đầu tiên nên tháng Dần là tháng Giêng. Và em Ngọ rơi vào tháng Năm
Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Trùng Ngũ
Đoan ngọ hay có bánh tro, người Nam Kỳ gọi là bánh ú lá tre. Bắc Kỳ kêu là “bánh gio” là đọc ngọng chữ “tro”
Từ Mỹ Tho và các tỉnh Miền Tây trổ xuống chỉ có bánh xèo thịt vịt cho ngày mùng 5 tháng 5
Ngộ hôn?
Cùng Nam Kỳ nhưng Sài Gòn thì bánh ú lá tre, Long An cũng bánh ú lá tre mà Miền Tây thì bánh xèo thịt vịt
Người Tàu Chợ Lớn ăn đoan ngọ rất lớn, cúng bánh ú lá tre, bánh bá trạng, trái cây, lá xông, lá treo khí thế
Có người nói từ người Tàu cúng Khuất Nguyên mà ra. Nhưng bánh này bằng nếp gói lá và hấp,nấu, tui nghĩ cũng từ Bách Việt làm ra
Thành ra người Việt gọi mùng 5 tháng 5 là giết sâu bọ, không ai nhắc Khuất Nguyên vì chẳng dính dáng gì.
“Cái ông họ Khuất bên Tàu
Chết từ hồi tam tổ
Có quan hệ gì ta
Mà sao phải ăn giỗ?”
Còn tại sao người Miền Tây (người Việt) lại ào ào nổi lửa đổ bánh xèo thịt vịt ngày mùng 5 tháng 5?
- 1. Vì bánh xèo dễ làm. Chỉ xay bột, nhà có nuôi vịt, có rau sẵn trong vườn, cũng có dừa khô sẵn luôn, củi lửa minh mông
- 2. Bánh xèo đâu có làm một hai cái là xong, làm một thau bột đổ vài chục cái, ăn cũng cả nhà hay một dòng họ, kêu con cháu tụ lại ngồi bốc bánh xèo chấm nước mắm ăn
Đó là cái “hội” nửa năm, là sum họp gia đình, quây quần và đoàn tụ kiểu người Miền Tây
Cũng vui. Người làm bột, người nạo dừa, người chuẩn bị chảo và bếp lò. Rồi người thì vô vườn hái rau, lặt lá xoài non, lá cóc non, mận non, rau đọt mọt, bằng lăng, quế vị, lá cách, cải bẹ xanh, nấm mối, củ hủ dừa cũng có sẵn
Đã nói là ngày mùng 5 tháng 5 không quan trọng, không có tế tự cúng kiếng gì với người Việt Nam thì tụm lại đổ bánh xèo ăn rồi vừa ăn vừa rôm rả nói chuyện là cách tụ hội kiểu Miền Tây
Bánh xèo Miền Tây luôn làm bằng chảo gan, rất mỏng và nằm chịu mình trên củi cháy râm ran, ít dầu mỡ và cái dòn của bánh xèo là do chịu khó trở và đảo chảo qua lại cho nóng đều
Tiếng xèo xèo nghe vui cái lổ tai. Người Miền Tây là bậc thầy của đổ bánh xèo,cái bánh mỏng te mà dòn rụm ăn hoài không ngán. Nguyên nhân chỉ vậy thôi.
Vì sao người Miền Tây nổi lửa đổ bánh xèo thịt vịt ngày mùng 5 tháng 5? Trả lời là bày ra ăn cho nó vui,ăn xong xách đít ai về nhà nấy là coi như hết ngày mùng 5 tháng 5.
Bài bởi Nguyễn Gia Việt.