Đã từ lâu tôi rất muốn tổng hợp lại những điều thú vị đẹp đẽ và gây sửng sốt trong cách đặt tên đường của Sài Gòn trước năm 1975 (dù có nhiều trang đã từng viết). Bài này tôi viết mang trong mình 3 kỳ vọng. Thứ nhất là để các bạn, các em yêu lịch sử nhưng sợ lịch sử có thể bỗng chốc phát hiện ra những điều tinh tế tuyệt vời trên con đường mà các em, các bạn đang đi học, đi làm mỗi ngày. Thứ hai là một gợi ý để những nhà hoạch định giao thông có thể quy hoạch lại trên niềm cảm hứng tinh tế thú vị đó, để có thể tạo ra những bản đồ tên đường như thể ta đang bước đi trên một trang sách. Và cuối cùng là để thắp một nén nhang tri ân đến người đã đặt tên những con đường đó, cũng là một cái cúi mình ngưỡng mộ trước những tinh hoa, tinh tế của người trí thức miền Nam trước 1975 mà thời cuộc đã khiến mọi thứ không thể đi đến trọn vẹn.
Dưới đây là 10 điều thú vị về cách đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975:
1. Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn. Đầu tiên là Bến Bạch Đằng, thứ đến là Bến Chương Dương, và cuối cùng là Bến Hàm Tử. Đó là gì? Vâng, là những trận thuỷ chiến trong lịch sử chống quân Nguyên Mông của quan quân nhà Trần vào thế kỷ 13. Riêng Bến Bạch Đằng lớn nhất thì có ở đó là bức tượng của vị quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ tay ra bờ sông.
Vậy bạn có nhớ ở bên kia bờ sông là bến gì không? Bến Vân Đồn – nơi Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, cũng là một trận thuỷ chiến thời đó.
2. Bạn hẳn đều ít nhiều nghe đến cái tên Nguyễn Thái Học, một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Nhưng bạn có biết vợ của Nguyễn Thái Học không? Từ cầu Ông Lãnh đổ xuống, bạn sẽ đi trên đường Nguyễn Thái Học, và bạn sẽ gặp phu nhân của người. Đó là Cô Giang. Song song với đường Cô Giang là đường Cô Bắc. Nguyễn Thị Giang (tức Cô Giang) là vợ Nguyễn Thái Học, và Nguyễn Thị Bắc (tức Cô Bắc) là chị của Cô Giang.
3. Điện Biên Phủ là một con đường huyết mạch tại Sài Gòn ai ai cũng biết. Nhưng không mấy ai biết tên con đường này trước 1975 là đường gì. Đó là đường Phan Thanh Giản – tên của vị đại thần nhà Nguyễn đã ký bản hiệp ước cắt 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Ông chịu án oan trăm năm mà chỉ được gột rửa trong chục năm trở lại đây. Sau năm 1975, tên đường Phan Thanh Giản đổi thành đường Điện Biên Phủ, đưa ông về quên lãng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sự tinh tế của vị đặt tên đường ấy vẫn để lại những dấu hiệu. Đó là người con của ông: Phan Liêm, Phan Tôn vẫn ở đó. Hai con đường ngắn, nhỏ, đặt song song, như ở cạnh hầu hạ cho linh hồn của người cha oan khuất bi kịch của mình.
Ngày ngày, khi đi từ cầu Sài Gòn xuống mà muốn về nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ rẽ vào Võ Thị Sáu, và quẹo vào một con đường nhỏ cắt qua Điện Biên Phủ. Con đường nhỏ ấy chính là đường Phan Liêm. Nhưng cha ông thì không còn đó nữa.
4. Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ và ra làm quan dưới triều Minh Mạng, vậy thì đương nhiên phải có đường Minh Mạng trước đó rồi đúng không? Vậy đường Minh Mạng ở đâu nhỉ? Đấy là đường Ngô Gia Tự hôm nay. Một con đường xứng đáng với tầm vóc của Minh Mạng: to, đẹp với 3 hàng cây rợp bóng mát, mang cái hùng tâm tráng chí của bậc đế vương tham vọng nhất nhì lịch sử Việt Nam. Và vị đại tướng của ông, người gánh trách nhiệm chinh chiến ở Campuchia là tướng Trương Minh Giảng, đó sẽ là một con đường nối dài từ quận này sang quận khác, như công tích vĩ đại kéo qua 2 nước, nhưng hẹp, hệt số phận bi kịch khi trở về. Con đường ấy hôm nay là đường Lê Văn Sỹ-Trần Quốc Thảo.
5. Tương tự con đường Trương Minh Giảng là con đường Gia Long. Đường Gia Long và đối thủ không đội trời chung của ông là Nguyễn Huệ có sự nghiệp thể hiện qua tên đường. Đường Gia Long tuy hẹp nhưng dài, đường Nguyễn Huệ tuy to, nhưng ngắn, như số phận của vị anh hùng dân tộc đánh đông dẹp bắc, công tích rực rỡ mà tuổi thọ ngắn ngủi. Đường Gia Long hôm nay là đường Lý Tự Trọng. Ở phía đầu đường Gia Long là nhóm những vị khai quốc công thần của ông, đó là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đấy là đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi Quận 1), Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng), quân sư Đặng Đức Siêu (đổi tên thành đường Nam Quốc Cang).
6. Một số cái tinh tế khác như đường Lê Lai nhỏ nằm cạnh đường Lê Lợi lớn, đường Sư Vạn Hạnh âm thầm nối gót cho đường Lý Thái Tổ, giúp rập Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Khu vực người Hoa chợ Lớn thì rặt các con đường của những vị hiền triết của Trung Hoa như Trang Tử, Khổng Tử hay các vị người Hoa đã có công mở cõi như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích… Còn ở Quận 1 ta thấy Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định… các vị khởi nghĩa chống Pháp thì sát sạt nhau. Các vị nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương khéo làm sao cũng ở bên nhau. Cách đó một khúc lại là cụm Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa và Sương Nguyệt Anh. Trong khi những vị trạng nguyên như Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi là các con đường song song bàn cờ. Và hai danh nhân góp phần xây dựng nên chữ Quốc Ngữ là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes thì lại song song nhau bên cạnh.
7. Ở phía bến xe miền Tây lại thuộc về thuở lập quốc của thuỷ tổ dân tộc. Đầu tiên là Hồng Bàng đúng không? Kế đó là Kinh Dương Vương, Hùng Vương, rồi An Dương Vương. Xa xa là những Triệu Quang Phục, Bà Triệu. Đủ rồi chăng? Chưa hết, còn một con đường nữa là đường Triệu Đà, thưa các bạn. Đường Triệu Đà hôm nay chính là đường Ngô Quyền. Thực ra trước năm 1975, đường Ngô Quyền-Triệu Đà nằm trên một trục. Như cái sự chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc mà Tiền Ngô Vương đã đem lại cho dân tộc vậy.
Triệu Đà dẫu không còn, nhưng đi về thêm một chút nữa bạn sẽ lại gặp đường Lữ Gia, vị tể tướng người Thanh Hoá thời Triệu Đà.
8. Không chỉ có lịch sử, mà còn có những cái hay khác. Đi qua Bộ Y Tế thì là đường Hồng Thập Tự (nay gọi là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất thì được ở cạnh nhau như nói lên khát vọng nhân bản cao đẹp. Đặc biệt đường Công Lý thì quy tắc phải một chiều (vì có Công Lý nào tráo trở đâu!). Đường Lục Tỉnh, đường Hậu Giang, đường Tháp Mười thì ở cạnh nhau. Rồi, quay về phía khu Bắc Hải là ta gặp một loạt cụm đường mang những địa danh của dân tộc đã đi vào huyền sử: Trường Sơn, Bạch Mã, Ba Vì, Đồng Nai, Cửu Long.
9. Lòng dân cũng là một trang sử mộc mạc.
Tôi kể câu chuyện nhỏ, có một lần hai vợ chồng tôi đi ăn cháo lòng trên đường Võ Thị Sáu – Quận 3. Lúc ngồi xuống bàn, tôi thấy pass wifi là “hienvuong”.
Hiền Vương chính là tên con đường này trước 1975, là tên nhân gian gọi chúa Nguyễn Phúc Tần, ông là vị chúa thứ 4 của dòng chúa Nguyễn trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, là người có công mở rộng lãnh thổ về phía Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần còn là người đã tiếp nhận những đoàn thuyền của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên từ nhà Minh đi xuống, để họ tiến hành khai khẩn và tạo nên Cù Lao Phố, Mỹ Tho. Không có ông tạo nền tảng, sẽ không có Sài Gòn Chợ Lớn TPHCM sầm uất như ngày hôm nay.
Chúa Nguyễn Phúc Tần còn là một nhân vật hùng bá ở trên biển. Ông có tham vọng đánh ra Bắc phía chúa Trịnh, và từng đuổi quân Anh, quân Hà Lan… khi họ dám bắt người và xâm phạm bờ cõi Đàng Trong.
Sau năm 1975, đường Hiền Vương trở thành đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên như đã nói ở trên, lòng dân là một trang sử mộc mạc. Dẫu bị đổi thay thế nào, dẫu sử sách có quên lãng và các vấn đề chính trị đã xô đẩy họ rời khỏi trang sách, thì nơi đây, lòng dân vẫn biết cách để nhớ về, dù chỉ bằng một cái pass wifi ngắn ngủi.
10. Người tạo nên kiệt tác lịch sử với các câu chuyện tôi kể trên kia là… một công chức. Ông là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh Saigon. Bộ phận được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất, sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm nắm quyền. Tên ông là Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Để xây dựng nên công trình lịch sử thập phần tinh tế này, ông cần 3 tháng.
3 tháng cho một đời !
Nguồn: FB Dũng Phan