Hôm qua coi lướt qua tập 4 “Học Viện CL” thấy một thí sinh cầm cái đề đen thui của BGK đứng ca, bạn đó ca rằng :
“Ông….dưới ca nô, trên ô tô…”
Nghe không có thuận cái lổ tai cho lắm. Nam Kỳ làm gì có ô tô mà cải lương hát vậy. Thầy tuồng nào soạn ra cái bài thi trớt quớt kiểu “xe ô tô”?
Đọc đoạn tả cảnh trong “Nợ đời” của Hồ Biểu Chánh ,giọng văn hồi 1936:
“Nhà nước mới mở cái lộ quản hạt cho xe hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhơn dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những cơ xảo văn minh phát hiện nơi thị thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe hơi chạy ồ ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi.
Một buổi trưa, trời ui ui, gió mát mẻ, có một cái xe hơi ở phía dưới Mỹ Thuận chạy lên, qua khỏi chợ Cai Lậy một đổi rồi rề rề ngừng ngay cái xóm nhà dựa lộ, bên mé tay trái.”
Người Miền Nam kêu xe hơi vì chiếc xe ban đầu chạy bằng hơi nước, khi thắng lại xe bốc hơi nước mù mịt. Dân Bắc kêu là ô tô, từ chữ Pháp automobile
Người Bắc êu cái tô lớn là cái “bát ô tô”, trong khi người Miền Nam kêu là cái tượng
Nhiều bạn nói rằng xe đò cũng là xe buýt, nói vậy không trúng ,là gộp chung rồi
Người Nam Kỳ xưa chia ra rặc ròi
“Đêm bắt đầu yên tĩnh trên đồng cỏ xanh
Đêm quấn quýt quanh những vòng thép gai hoen rỉ
Chiếc xe đò vội vàng trở về thành phố
Anh bồi hồi đón chuyến buýt cuối cùng
Hành khách chật thản nhiên như tượng
Không ai nói một lời “
Sông rạch Miền Nam nhiều đến nổi sau khi có xe chạy liên tỉnh thì bị kêu là “xe đò”, ngoắc xe đò để đi về quê kêu “quá giang”
Xe buýt (auto bus) là xe xuất hiện thời Pháp, nhưng phổ biến là những năm người Mỹ qua Miền Nam, có thời kêu là xe ca, sau là buýt
Xe buýt là xe chạy chở khách lòng vòng trong thành phố thôi, không có đi xa ra khỏi địa giới thành đô Sài Gòn
Miền Nam sau 1975 đã có sự xáo trộn khi xe đò không còn được xử dụng trong văn bản của chánh quyền, thay vào là “xe khách” kiểu ngôn ngữ Miền Bắc
Rồi ngày nay khi mở rộng vận chuyển, các hãng xe buýt chạy qua các tỉnh liền kề ào ào thì kêu là “đi xe buýt”, chữ xe đò đã bị phai màu
Người Miền Nam đâu có “đỗ xe”, “bãi đỗ xe”. Miền Nam chỉ có “đậu xe”, “chỗ đậu xe”
Cái sự khác biệt Nam Bắc còn nhiều lắm, vì vốn là hai quốc gia riêng, tâm tánh cũng khác, trình độ văn minh cũng khác nhau
Nhà báo VN tôn trọng ngôn ngữ Bắc rất hay de xe hơi là “lùi chuồng”và có khi lùi xe, Miền Nam là de xe
Hồi xưa lên xe, ổn định chỗ ngồi xong thì nghe thằng lơ Nam Kỳ la lên “Xe đề pa nha bà con cô bác!”
Chữ “đề pa” vốn bắt nguồn từ “départ” trong tiếng Pháp có nghĩa là bắt đầu khởi hành. Ảnh hưởng riết giờ lên xe Honda, xe chạy cũng kêu là “đề xe”
Xứ Nam Kỳ thuộc địa bước ra đường lên xe đò là đụng “sốp phơ” nè, rồi xe “de” tới de lui nè, khi cần ngừng ở đâu thì khách nhổm dây kêu vầy “Sốp phơ ơi, stop”, nghề sốp phơ bẻ vô lăng
Sốp phơ (chauffeur) là tài xế ngồi bẻ vô lăng (volant). Ta hay gọi người phụ xe ở xe khách là lơ xe, lơ được gọi tắt từ tiếng Pháp contrôleur
Cón có xe Cam Nhông (camion) là xe tải
Tuy nhiên có những chữ mà người Miền Bắc lại kêu khác người Miền Nam
Thí dụ như người Miền Nam kêu vỏ, ruột xe thì người Bắc kêu là “lốp, săm”. Lốp và săm là hai từ tiếng Việt từ tiếng Pháp, lốp là từ chữ enveloppe, còn săm thì từ chữ chambre à air
Người Miền Nam kêu là thắng xe thì thì người Bắc kêu là phanh (frein)
Các bạn Miền Nam chú ý chiếc xe hơi dùm tôi!
Bánh ga tô là bánh của người Miền Bắc, Bánh Bông Lan là bánh của người Miền Nam. Bánh bông lan lớn có trét kem, có viết chữ dân Nam Kỳ kêu là bánh kem, không kêu bánh ga tô
Cái bánh mì cũng vậy, qua Sài Gòn trước nên dân Sài Gòn kêu là bánh mì, ra Hà Nội sau nhưng lại đặt là bánh Tây. Trong khi dân Nam Kỳ kêu bánh Tậy là những loại bánh ngọt
Xe lửa là xe lửa, xe hơi là xe hơi, dầu hôi là dầu hôi, cái muỗng là cái muỗng. Không thể sanh sau mà thành tàu hỏa, xe ô tô, dầu hỏa, cái thìa và bánh ga tô.