Nam Kỳ mình nhiều chợ lắm, Sài Gòn Gia Định cũng hàng hà chợ
Ôn bà mình khai hoang lập ấp, khẩn đất ruộng đất vườn vửa ổn nhà cửa là sẽ lập chợ liền. Chợ thường nằm sát mé sông rạch hoặc con kinh, ghe tàu nhộn nhịp
Có một cái chợ mấy chục năm trường mà nó vẫn cứ mới hoặc cũ hoài, An Giang có Chợ Mới, Mỹ Tho có Chợ Cũ, Sài Gòn cũng có Chợ Cũ. Rồi Chợ Trong, Chợ Ngoài, Chợ Trên, Chợ Dưới
Mà để kể tên vài cái chợ ở Sài Gòn trước đã
Có cái chợ tên là Chợ Quán tức là chợ Tân Kiểng lập năm 1748 trên đất xóm Lò Rèn Thợ Vắp làng Tân Kiểng, đáng lẽ gọi là Tân Cảnh nhưng “né” ông hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh nên đọc trại thành Tân Kiểng. Chợ này nay là ở khúc Trần Hưng Đạo và Huỳnh Mẫn Đạt, chợ khá lớn
“Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé
Người xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai”
Xít lên Chợ Quán có Chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh
Ca dao Nam Kỳ ta có câu:
“Cây da tróc gốc, cái miễu chổng khu
Gặp em đây anh giỡn lu bù
Chừng nào chồng của em hay được thì ở tù anh cũng ưng”
Sài Gòn có nhiều chợ dính cây da
“Cây da Bình Ðông
Cây da Bình Tây
Cây da Xóm Củi
Cây da Chợ Ðũi
Ba bốn cây da tàn
Anh với em một tổng, khác làng
Muốn phân nhân ngãi, rõ ràng khó phân”
Sài Gòn còn vài ba địa danh có dính líu tới cây da, tiện kể nghe chơi
Gia Định thành thông chí (1820), Trịnh Hoài Đức đã chép về chợ Cây Da (Khung Dung thị):
“Phía nam trấn, dưới chân thành về phía hữu có cây da nhánh rễ rằng ni, bóng lá xum xuê nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Lúc đầu canh tư người ta đã đi chợ đèn đuốc sáng trưng kẻ đội người gánh những đưa bí rau cải đến nhóm tại đầu chợ phía tây, có người mua sỉ ngồi bán lại; đến sáng đầu chợ phía đông cá thịt và vật hàng mới bày bán”
Không rành giờ nó từng ở vị trí nào
Sài Gòn xưa có chợ Cây Da Thằng Mọi ở khoảng thư viện quốc gia, tòa án bây giờ. Vì chợ này dưới gốc cây da lớn, bán cái đèn đất nung hình thằng mọi đội đèn mà chết danh Cây Da Thằng Mọi
Gia Định phong cảnh vịnh tả:
“Cây da Thằng Mọi coi bán đủ thuốc xiêm cau mức,
Cái cầu Cao Miên thấy làm nguyên cột vắp ván trai.
Trên cây Da Còm nỡ để ông già gùi đội,
Dưới dàng Cầu Khắc chi cho con trẻ lạc loài”
Chợ Cây Da Còm ở góc đường Nguyễn Trãi- Cống Quỳnh. Kêu da còm vì chợ nhóm dưới gốc một cây da nhánh còm, lá de khòm xuống mặt đất
Thánh Công giáo Matthêu Lê Văn Gẫm đã bị xử trảm ngày 11-5-1847 tại khu vực chợ Cây Da Còm này. Thành thử ông Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) khi giàu có đã bỏ tiền mua đất cất cái nhà thờ ở khu đất của chợ Cây Da Còm cũ, đó là nhà thờ Huyện Sĩ ngày nay
Chợ Nhật Tào xưa có tên là chợ Da Bà Bầu, đường Nhật Tảo cũng là đường Da Bà Bầu
Da Bà Bầu tức là khởi thủy ngày xưa có cái bà tên Bầu mở cái quán bán dưới một gốc cây da
Địa danh chợ Nhật Tảo và đường Nhật Tảo là có sau 1955 ông Ngô Đình Diệm đổi từ Da Bà Bầu ra Nhật Tảo đến nay. Đáng lẽ là Nhựt Tảo
Chợ Đũi là cái chợ xưa của Sài Gòn nằm gần góc đường Chasseloup Laubat – Thuận Kiều (Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám). Đây là chợ bán một loại hàng dệt bằng tơ gốc được gọi là đũi. Chợ Đũi là chợ Điều Khiển
Sài Gòn có Chợ Cũ và Chợ Mới
Năm 1860 người Pháp xây Chợ Sài Gòn ngay bờ Kinh Chợ Vải ở đường Hàm Nghi bây giờ. Sau vì kinh bị ô nhiễm, nên chợ ế.
Những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp xây Chợ Sài Gòn mới ở khu ao Bồ Rệt (marais Boresse) ở chưn thành cũ
Sau khi chợ Sài Gòn hoạt động vào tháng 3.1914, khu vực Chợ Cũ bị giải tỏa nhưng còn một nhúm chợ tụ hội lại ở con đường Tôn Thất Đạm tới ngày nay
Chợ Mới là chợ Sài Gòn mà sau 1975 gắn bảng Bến Thành. Là vì một đoạn trong bút ký “Một tháng ở Nam Kỳ”, ông Phạm Quỳnh viết:
(Trích)” Còn Chợ Mới Sài Gòn cũng có cái nhà chòi ở cửa giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu”
Người Nam Kỳ hay gộp chung từ “chợ búa”, nhiều người hỏi vì sao?
Chợ là nơi huyên náo, đông người, có đủ thứ hạng người trong xã hội, là nơi trả treo mặc cả và chửi rủa nhau, đương nhiên chợ không phải là trường học nên đừng bao giờ lấy lễ nghĩa ra chợ mà nói
Chúng ta đọc được điển tích Mạnh Mẫu dời nhà 3 lần, trong đó có dời nhà vì gần chợ thì đủ hiểu mức độ xô bồ của chợ
Bắc Kỳ kêu là chợ phiên, còn Nam Kỳ gọi là chợ búa
Có người giải thích vì nó là tiếng Hán Việt, có người nói từ dân gian, tới nay chưa ai nói rõ. Tập tục lâu đời, có khi khỏi giải thích sẽ hay hơn
Nam Kỳ có câu chửi rất nặng là “đồ trôi sông lạc chợ”
Có bạn hỏi ,thử đếm coi Nam Kỳ có bao nhiêu cái chợ “cổ”, một chuyện khó khăn, những cái chợ có hàng trăm năm thì nhiều vô số kể
Paul Doumer trong hồi ký chép rằng:
“Một trong các cơ sở quan trọng nhứt trong một làng ở Nam Kỳ hiện đại là cái chợ. Ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên một mảnh đất rìa làng . Làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng làng vậy…”
Chợ Nam Kỳ phần đông nằm dựa vô hoặc de ra mé sông, con kinh, cái câu “trên bến dưới ghe” cũng từ chợ mà ra. Vì hồi xưa đường thủy chủ đạo, ghe thương hồ chạy ngày đêm mang sản vật ra chợ mà bán
Từ Sài Gòn, Chợ Lớn xưa muốn về Miền Tây phải theo Kinh Đôi, kinh Lò Gốm chạy ra sông Chợ Đệm về sông Bến Lức rồi trổ ra Vàm Cỏ Đông theo kinh Thủ Thừa trổ ra về Miền Tây
Chợ Đệm là xứ trong phạm vi Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc,Tân Bửu
Sông Chợ Đệm cầu Bình Điền nối sông Vàm Cỏ Đông về Kinh Tàu Hủ, Kinh Đôi để về bến Phú Định, bến Bình Đông, bến cầu Ông Lãnh. Đây là con đường thương hồ sầm uất một thời từ lục tỉnh lên Sài Gòn
Đức Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ PG Hòa Hảo cũng từng đi từ Hậu Giang về Sài Gòn bằng ghe và phải qua Chợ Đệm. Trong đoạn thơ sau ông ghi lại:
“Khỏi đây đến chỗ bộn bề,
Rõ ràng Bến Lức đã kề bên ghe”
Từ Chợ Đệm nếu đi đường lộ sẽ bước qua Chợ Gò Đen của xứ Gò Đen
Theo truyền thống của Nam Kỳ thì Gò Đen có thể là xuất phát từ tiếng Khmer
Gò Đen là tên tục của dân gian. Gò Đen được Pháp xài đầu tiên ngày 04/02/1947 quận Trung Quận của tỉnh Chợ Lớn bị đổi tên thành quận Gò Đen. Năm 1956 TT Ngô Đình Diệm cắt quận Gò Đen ra làm hai , một nửa đem qua thành quận Bình Chánh của tỉnh Gia Định, một nửa nhét vô lập quận Bến Lức của Long An
Hồi xưa ga xe lửa Gò Đen là một trong 15 ga của đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho
Quốc Lộ 4 vắt ngang Gò Đen,đi xe đò lục tỉnh ngủ gà gật tới Gò Đen khách bừng tỉnh khi chú lơ đập vô thành xe rầm rầm thông báo “Tới Gò Đen rồi nha bà con cô bác! ”, tới Gò Đen sắp sửa vô Sài Gòn rồi
Trong lịch sử ẩm thực Nam Kỳ,Gò Đen góp một món nổi tiếng là rượu đế Gò Đen, rượu trong mà độ nồng rất cay, thơm ngon, nấu bằng nếp của vùng này
Trong bài “vè cái chợ” có câu nói chợ Gò Đen “tối mò” :
“Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng.
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn.
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông.
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo.
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành.
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh.
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức.
Tối mò như mực
Là chợ Gò Đen.
Cẳng bước không quen
Là chợ Gò Vấp.
Khỏi lo đèn tắt
Đi chợ Gò Dầu.
Sợ má đợi lâu
Đi chợ Bà Quẹo.
Không trì cũng kéo
Là chợ Bến Tre.
Chợ gì vắng hoe
Kêu bằng chợ Đũi
Ăn mặn như muối
Là chợ Cầu Kho.
Nấu nướng khỏi lo
Là chợ Xóm Củi.
Coi chừng lửa khói
LÀ chợ Lái Thiêu.
Vắng mẹ nó kêu
Là chợ Bến Nghé.
Ai mà đau khổ
Đi chợ Cầu Duyên.
Gục xuống gục lên
Kêu bằng chợ ế.
Đạp nhằm quỵ té
Là chợ Cần Chông.
Rượt chạy lòng vòng
Là chợ chồm hổm.
Làm ăn yên ổn
Là chợ Biên Hòa.
Hay hát dân ca
LÀ chợ Phước Lý.
Toàn là thi sĩ
Là chợ Cần Thơ.
Nó cắn ơ hờ
Là chợ Rạch Kiến.
Vừa nói vừa nghiến
Là chợ Cái Răng.
Ăn uống lăng xăng
Đâu bằng Chợ Quán.
Người ưa bàn tán
Ra chợ Bùng Binh.
Không dính trong mình
Là chợ Cần Giuộc.
Muốn gặp Trời Phật
Đi chợ Long Hoa.
Phơi lúa mau khô
Thì đi chợ Đệm.
Rờ êm như nệm
Là chợ Sài Gòn.
Đàn bà chết chồng
Xuống chợ Rạch Giá.
Không ăn thịt cá
Ra chợ Hà Tiên.
Cho người tới biên
Là chợ Bến Thuế.
Tướng sĩ xe pháo
Là chợ Bàn Cờ.
Vợ bỏ bơ vơ
Chợ Cầu Ông Lãnh.
Người nào cũng bảnh
Là chợ Cái Cơm.
Khỏi lo bần cùng
Đi chợ Phú Quới.
Chưa đi đã tới
Là chợ Cà Mau.
Chẳng được ngọt ngào
Là chợ Đà Lạt.
Ngứa gãi sột soạt
Là chợ Hóc Môn.
Nghe kêu hết hồn
Là chợ Trà Cú.
Xe chạy ngắc ngứ
Là chợ Gò Công
Đi giáp một vòng
Cũng chưa hết chợ.
Thiệt là đáng sợ
Là cái chợ Trời
Ai biết xin mời”
Ta đọc thấy thư tịch nhắc nhiều tới những ngôi chợ như Chợ Thủ ở An Giang. Thủ này không phải Thủ Dầu Một ở Bình Dương đâu, chợ ở Thủ Dầu Một là chợ Phú Cường
Chợ Thủ ở An Giang là kêu tắt của Thủ Chiến Sai. Chợ Mới thành tên một quận
Xế xế bên mé cù lao Hòa Hảo nhìn qua bên Hồng Ngự là Chợ Vàm
An Giang xưa có chợ Chắc Cà Đao, ai dè sau 75 đã bị xoá sổ để thay vào đó là chợ An Châu
Chợ Cao Lãnh khi xưa có tên Chợ Vườn Quýt do vợ chồng ông Đỗ Công Tường lập ra để có nơi cho dân cư trong làng bán buôn, dân gian kêu là chợ Ông Câu rồi lần hồi ra chợ Câu Lãnh
Chợ Long Xuyên xưa tên là chợ Đông Xuyên nằm dựa lưng vô rạch Tam Khê tức Long Xuyên và sông Hậu , chợ này cũng là chợ thôn Mỹ Phước mà ra
Chợ là cái chổ đông người nhứt,cũng là nơi đóng các cơ quan hành chánh . Thời Pháp hay lấy tên chợ đặt tên quận. Và Pháp cũng hay xử tử những thủ lãnh kháng Pháp người Việt ở chợ
Chợ Rạch Giá xưa là chợ làng Vĩnh Huề-là một cái chợ sầm uất bề thế
“Chợ Sài Gòn cẩn đá
Chợ Rạch Giá cẩn xi măng
Giã em xứ sở vuông tròn
Anh về xứ sở không còn ra vô”
Tại chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868 Pháp đã thi hành án tử c-hém đ-ầu Nguyễn Trung Trực trước nhà lồng chợ. Sau đó thì thân xác ông lưu lạc không rõ tung tích. Sau 1975 hô rằng đã tìm được hài cốt ông đem chôn ở chổ đình thờ ngày nay ,nhưng nhiều người không tin, và cái sự tranh cãi hài cốt đó tới nay vẫn còn
Chúng ta nhớ tới anh hùng Trương Công Định ở Gò Công, ngày 20 tháng 8 năm 1864 ông tử thương ở đám lá tối trời Gia Thuận, Pháp đem xác Trương Công Định về để trước nhà lồng chợ Gò Công 3 ngày đêm thị uy dân chúng
Sau đó bà thứ thất Trần Thị Sanh đã mần đơn nhận thi hài của chồng đem về làm đám ma rất trọng thể. Bà Sanh xây mả bằng ô dước rất lớn, trên bia mộ khắc: ”Đại Nam – An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy Định chi mộ.”.Pháp phát hiện nên đục bỏ hàng chữ “Bình Tây Đại Tướng Quân” và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép
Chợ Gò Công là chợ lớn nhứt của toàn tỉnh Gò Công xưa
“Chợ nào vui bằng chợ Gò Công
Tôm khô, cá trung, thịt bò, thịt heo
Thật nhiều bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên lu”
Cũng nhắc tới chợ Mỹ Tho, cái chợ lớn nhứt nhì Nam Kỳ,chỉ nhường chợ Sài Gòn về mức độ ê hề hàng hóa , Mỹ Tho có xe lửa, có cầu tàu lục tỉnh, quan trọng bậc nhứt miệt lục tỉnh
Chợ Mỹ Tho ngày nay là Chợ Mới rồi, cái chợ Mỹ Tho ngày lập xứ của Mỹ Tho Đại Phố nay là Chợ Cũ ở tuốt dưới gần chùa Vĩnh Tràng
Ở đằng sau Chợ Cũ ở Mỹ Tho có cái chùa Tiều rất cổ là bằng chứng cho sự sầm uất trung tâm hồi xưa của khu này
Ít ai ngờ, Chợ Cũ đông là vậy, nhộn nhạo là vậy, nhưng cách vài bước sau lưng nó là cái chùa Tàu rất yên tĩnh. Chùa Ông có tuổi trên 300 năm lận, nhưng vắng hoe, hoang vắng, thiếu hơi khách viếng, thiếu sự chăm lo
Lịch sử đất Mỹ Tho ghi nhận nhiều mốc quan trọng, lưu dân Việt đã tới đây trước năm 1698 của Nguyễn Hữu Cảnh nữa
Mỹ Tho -Định Tường là đất cố cựu của Nam Kỳ lục tỉnh
Năm 1679 tướng Dương Ngạn Địch trốn nhà Thanh đem 3000 quân cùng 50 tàu chiến sang nước ta làm dân xứ Việt được chúa Nguyễn Phước Tần cho định cư tại thôn Mỹ Chánh (Mỹ Tho). Dương Ngạn Địch đã tạo nền tảng lập ra một thành phố Mỹ Tho sầm uất bậc nhứt lúc đó có mỹ tự là “Mỹ Tho đại phố”
Nhưng tiếc thay năm 1688 chỉ 9 năm từ ngày định cư ở Mỹ Tho, tướng Dương Ngạn Địch bị phó tướng Huỳnh Tấn đảo chánh giết chết ở cửa biển Mỹ Tho
Tuy vậy Mỹ Tho vẫn phát triển rực rỡ. Mỹ Tho đại phố nằm ở bờ kinh kéo dài tới Chợ Cũ
Mỹ Tho nằm dựa mình vô sông Tiền và sông Bảo Định, bao bọc chung quanh minh mông vườn tượt ruộng đồng trù phú ,xanh tươi
Mỹ Tho là thành phố lớn,nổi tiếng đẹp đẽ giàu sang, kỳ cựu cổ kính nhứt của miền đồng bằng sông Cửu Long
Ở Nam Kỳ lục tỉnh xưa,Mỹ Tho chỉ nhường có Sài Gòn
Trong cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ” chép như sau :
“Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mãi..”
“Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho
Đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho”
Người Pháp qua ,Mỹ Tho với vị trí nằm trên yết hầu của 3 con đường thủy độc đạo về Sài Gòn nên vai trò rất quan trọng. Mỹ Tho có những cái sớm nhứt mà Sài Gòn không có
Mỹ Tho là nơi trung chuyển khách từ Sài Gòn về miệt dưới lục tỉnh nên trên bờ có ga xe lửa, dưới sông có cầu tàu lục tỉnh, thành ra vô cùng sầm uất
Chợ Mỹ Tho là chợ sỉ lẻ về nông sản khô cá. Vai vế ngang hàng chợ Sài Gòn
Thời Dương Ngạn Địch chợ Mỹ Tho đặt mé bên đình Điều Hòa thuộc làng Mỹ Chánh tức là Chợ Cũ. Tai gần chợ Cũ Mỹ Tho, trên đất làng Mỹ Chánh xưa cũng có làng Minh Hương
Mỹ Tho đại phố nằm dọc bên trái của kinh Bảo Định; bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa kinh với sông Tiền chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức cho đến cầu Vỹ, Gò Cát bây giờ
Năm 1826, một ngôi chợ được thành lập tại địa điểm dựa bên bờ bên kia kinh Bảo Định, đây là ngôi chợ Mỹ Tho Mới hôm nay, sau đó Pháp đã cất lại nhà lồng tươm tất
Năm 1909, trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” Nguyễn Liên Phong ca ngợi phong cảnh chợ Mỹ Tho như sau:
“Buổi mơi, buổi tối, buổi trưa
Tàu đò, xe lửa rước đưa liền liền
Đầu đường sáu tỉnh mối giềng
Tiệm ăn tiệm ngủ khoẻ yên bộ hành”
Người Tàu ở Mỹ Tho khá đông, có đủ năm bang Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông, Hẹ, Hải Nam
Mỹ Tho có dấu ấn người Tàu về kinh tế, văn hóa rất đậm màu . Thí dụ “hủ tíu Mỹ Tho”
Ngày nay cái Chùa Ông ở Mỹ Tho nó rộng hơn Chùa Bà ở Bình Dương nhiều, nhưng nó hoang vắng, im re tới độ phát sợ
Mỹ Tho có Chợ Hàng Bông kế bên Chợ Mỹ Tho
Người Nam Kỳ mình hay kêu những người bán trái cây rau củ quả là “bán hàng bông”
Trong xóm làng mình có rất nhiều bà chuyên quảy gánh ra chợ bán hàng bông
Chữ “Hàng Bông” này không phải chỉ có bông hoa mà nó có nhiều loại liên quan tới rau củ
Chợ Hàng Bông là một cái chợ đặc trưng cho rau quả có mặt hầu hết ở Nam Kỳ lục tỉnh, bạn có thể thấy tới bây giờ nó còn ở Mỹ Tho và Bình Dương
Thí dụ nghe quảng cáo bánh bèo Chợ Hàng Bông, hủ tíu Tàu chợ Hàng Bông,bánh mì Chợ Hàng Bông Mỹ Tho thì bạn sẽ biết nó chính là chợ trái cây Mỹ Tho nằm ở mặt sau trường Nguyễn Đình Chiểu
“Thuần phong tập tục dân no đủ
Hóa hóa sanh sanh lợi ruộng vườn”
Chợ Hàng Bông Mỹ Tho là một nơi bán sỉ lẻ rau củ quả ,các mặt hàng nông sản
Chúng ta biết Nam kỳ xưa có ngũ bang Quảng Đông,
Phước Kiến, bang Tiều Châu, bang Hải Nàm, bang Hẹ. của người Tàu
Trong đó người Quảng chuyên về buôn bán chạp phô , Phước Kiến chuyên về lúa gạo, dừa khô, người Hẹ chuyên về thuốc bắc, Hải Nàm chuyên về ẩm thực, nấu ăn, cao lầu, tửu quán
Tiều chuyên về trồng rẫy và sản xuất trà. Những địa danh Nam Kỳ như Xóm Cải, Xóm Rẫy, Chợ Rẫy, Chợ Hàng Bông đều có dính tới Tiều
“Quảng Đông ăn cá bỏ đầu
Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu”
Cái danh từ “Hàng Bông” ngày nay đã mai một dần
Nói về địa danh Chợ thì Nam Kỳ lục tỉnh có khá nhiều
Có thể kể Chợ Búng, Chợ Kiến, Chợ Dinh, Chợ Lách, Chợ Đình, Chợ Cầu Chùa, Chợ Vòng Nhỏ, Chợ Bà Cai, Chợ Ông Văn, Chợ Kinh Cụt, Chợ Cần Đước, Chợ Xóm Củi, Chợ Việt Kiều…
Những địa danh Chợ thành tên hành chánh, tên quận luôn thì có Chợ Gao ở Định Tường, Chợ Mới ở Long Xuyên, Chợ Lách Bến Tre
Chợ Phú Nhuận ngày xưa là Chợ Xã Tài
Thôn Phú Nhuận thời Nguyễn là một xứ sình lầy ở rìa thành Gia Định. Phú Nhuận trên giấy tờ thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định
Xứ này hẹp té, rộng không quá 4,9 ha, có nhiều lùm mả của những nhơn vật nổi tiếng xưa như Võ Tánh , Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy
Như đã nói hồi xưa đất Phú Nhuận tuy sát thành Sài Gòn nhưng dân bổn xứ ít có ở lắm. Đây là xứ của dân nhập cư, nhứt là từ Bắc Kỳ vô
Cái vùng dân tụ hội đầu tiên là mé Cầu Kiệu, ông Xã Tài là một người Bắc di cư vào thời Tự Đức
Ông này quy tụ dân lập thôn Phú Nhuận, ông làm thôn trưởng, rồi xã trưởng.
Xã Tài dựng một cái chợ tre lá trên đất điền của nhà ông, tục kêu chợ Xã Tài (Nay là chợ Phú Nhuận)
Cái chợ này nằm trên một con rạch nhỏ. Con rạch nối từ chưn cầu Kiệu lấy nước kinh Nhiêu Lộc vô chợ Xã Tài. Ngày nay con rạch đã bị lấp rồi
Chợ Xã Tài là cái chợ xã, lèo tèo không phát triển, bán buôn èo uột. Trong lịch sử Sài Gòn chợ Phú Nhuận ko bằng cái gót chưn của Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bến Thành , Chợ Lớn….
Có thể vì con đường thiên lý qua Cam Bốt xưa là đi theo đường Lê Văn Duyệt qua Bà Quẹo, không đi theo đường Võ Di Nguy, và xế cầu Kiệu lại có chợ Tân Định trên Đất Hộ rồi. Hai cái này làm chợ Phú Nhuận mãi mãi ì ạch
Coi ông Hồ Biểu Chánh tả cái chợ Xã Tài xưa thiệt rầu
(Trích cuốn “Ông Cử”):
“Mấy mươi năm về trước thì Phú Nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Định vậy thôi.
Trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo, mỗi buổi sớm mai, bạn hàng nhóm thưa thớt một lát, mà bán cá tôm, rau thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý giá
… Dọc đường xuống cầu Kiệu, thì có năm ba tòa nhà ngói, nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng, xa xa có một tiệm Chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố ngói mà vách ván cũ mèm, cất chen lộn với nhau, coi dơ dáy mà lại không thứ tự..”
Chợ Xã Tài ở kế bên Cầu Kiệu lúc đó gọi là chợ Cầu Mới, sau gọi là chợ Xã Tài, Pháp xây lại lớn hơn, lúc đầu kêu là “Marché de Xã Tài”, sau đó thay bằng “Marché de Phú Nhuận”
Phú Nhuận sau nhờ gần sân bay, nằm trên đường lên Tân Sơn Nhứt và sau 1964 người Bắc di cư vô Nam nhiều,người di cư chọn Phú Nhuận sanh sống …thành ra xứ này ngày càng đông đúc
Chợ Miền Nam còn có chợ chiều, chợ chồm hổm, chợ trời. Giá cả chợ linh hoạt lắm, giá 5 h sáng khác, giá 10 trưa khác, giá 4 h chiều khác, có khi vừa bán vừa cho, quan trọng là có thể trả giá
Mánh lới và gian manh chợ có thừa, người mua lầm chứ người bán không có lầm
Chợ là nét văn hoá của người châu Á nói chung và Nam Kỳ nói riêng.
Nguồn FB Nguyễn Gia Việt