PGS.TS Lê Anh Tuấn lý giải về khoảng cách địa lý các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long

Có đề tài rất vui, có ông tiến sĩ nào đó khi tự ên đưa ra đề tài và tự giải thích “vì sao Châu Đốc cách Long Xuyên 60km, Long Xuyên cách Cần Thơ 60km, Cần Thơ cách Sóc Trăng 60km, Sóc Trăng cách Bạc Liêu gần 60km và Bạc Liêu lại cách Cà Mau cũng khoảng 60km?”

Lý giải là do con nước

Lập luận này là sai rồi

Nếu có khoảng cách xê xít gần gần con số 60 km là do trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Hoặc do người Pháp nhìn địa hình và không gian đất đai toàn vùng mà chọn tỉnh lị hành chánh cho các tỉnh thôi

Thiệt ra ông PGS.TS Lê Anh Tuấn “ráng” làm tròn cho con số 60 km cho có chuyện để nói. Thực tế Long Xuyên cách Cần Thơ 61 km, từ Châu Đốc đi Long Xuyên có 57 km thôi

Khi xưa trong lịch sử Miền Nam chúng ta, thủ phủ tỉnh An Giang là Châu Đốc chứ không phải Long Xuyên. Tức Châu Đốc có trước. Lấy hai nơi này so sánh là không chính xác

Trước tiên vùng Châu Đốc này chỉ có một cái đồn lính thú canh biên giới. Thời vua Gia Long năm 1815 đồn lính Châu Đốc được xây bằng đất. Năm 1818 lập chợ Châu Đốc

Năm 1833 vua Minh Mạng cho xây thành Châu Đốc rộng và lớn hơn đồn lính cũ. Năm 1832, vua Minh Mạng lập Nam Kỳ lục tỉnh, tỉnh An Giang được thành lập, thành Châu Đốc trở thành thủ phủ tỉnh An Giang

Còn đất Long Xuyên An Giang ngày nay xưa là Đông Xuyên. Đất đai thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Tây Xuyên xưa

TP Long Xuyên ngày nay xưa lại có tên gọi là “Đông Xuyên” bắt nguồn từ thủ Đông Xuyên được lập ra vào năm 1789

Năm 1868 người Pháp khi lập tên xứ trên giấy tờ, hỏi mấy ông Tàu ở chợ Đông Xuyên cái ổng nói ngọng, nói léo từ Đông Xuyên thành “Long Xuyên”. Từ đó có Long Xuyên An Giang

Năm 1876, hạt Long Xuyên được thành lập, rồi hình thành chợ Long Xuyên tại thôn Mỹ Phước, trung tâm Tp Long Xuyên ngày nay

Pháp chia An Giang ra làm hai hạt tham biện, sau đó là hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên

Tỉnh Long Xuyên có thủ phủ đặt ở chợ Đông Xuyên , tức làng Mỹ Phước

Nhà văn Sơn Nam viết:

“Chợ Đông Xuyên, mà lúc đầu công văn chính thức Pháp vẫn gọi, đổi ra Long Xuyên vào thời điểm nào, chẳng rõ; điều chắc chắn là năm 1873 đã gọi là Long Xuyên, qua báo cáo của chủ tỉnh về cuộc khởi nghĩa của Trần Văn Thành (1867-1873)

Sự thay đổi này có lẽ do quan cai trị Pháp khi phát âm: Đông Xuyên giống như Long Xuyên”

Tại sao người Pháp chọn chợ Đông Xuyên của làng Mỹ Phước làm tỉnh lị Long Xuyên thì chưa trả lời được. Chung quanh đó cũng có rất nhiều làng và chợ, thí dụ Thốt Nốt

Ngày xưa thủ phủ Miền Tây là thành Vĩnh Long (Tp Vĩnh Long) chứ không phải Cần Thơ

Vĩnh Long thời Nguyễn là thủ phủ của Miền Tây, có Văn Thánh miếu, là tỉnh rất quan trọng vì nằm giữa hai khúc sông Tiền và sông Hậu

Qua thời Pháp do cần khai phá miệt Hậu Giang nên Pháp đã nhìn ngó Cần Thơ, song Vĩnh Long vẫn là tỉnh giàu có, vị trí trung tâm, sanh ra vô số nhơn tài cho lục tỉnh

Có thời tỉnh Vĩnh Long bao gồm cả vùng Sa Đéc nữa

Lật lịch sử Nam Kỳ lục tỉnh thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn thì không có địa danh Cần Thơ. Cần Thơ xưa là đất của tỉnh Hà Tiên rồi tỉnh Vĩnh Long

Năm 1732 Chúa Nguyễn Phước Trú (1696-1738) lập dinh Long Hồ, châu Định Viễn. Đến khi Minh Mạng lập Nam Kỳ 6 tỉnh thì huyện Vĩnh Định (Cần Thơ lúc đó ) cắt ra về tỉnh An Giang

Suốt thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn sau này thì Dinh Long Hồ -Thành Vĩnh Long là thủ phủ của vùng Hậu Giang

Chính người Pháp đã khai sanh ra thành phố Cần Thơ và cái tên Cần Thơ xuất hiện. Năm 1876, Pháp thành lập hạt tham biện rồi sau đó tỉnh Cần Thơ ,lúc đầu có quan tham biện, sau là chủ tỉnh

Cũng chính Pháp định hướng Cần Thơ là thủ phủ miền tây, tước mất vai trò của Vĩnh Long. Có lẽ vị trí Cần Thơ gần với miệt Kiên Giang, Cà Mau và Long Xuyên hơn Vĩnh Long , quá trình khai thác đất ruộng ở Hậu Giang

Nguyễn Liên Phong trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” viết 1909 về Cần Thơ:

“Cần Thơ xứ lắm bạc tiền,

Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn.

Chín tổng trong chín mươi làng,

Ruộng thuộc ruộng khẩn muôn vàn biết nhiêu.

Vườn nhờ huê lợi cũng nhiều,

Bông hoa cây trái mỹ miều thường niên.

So cùng mấy hạt các miền,

Cần Thơ thứ nhất mối giềng giàu sang.

Châu Thành sở tại Tân An,

Dưới kinh trên lộ dọc ngang tư bề.

Phố phường lầu các chỉnh tề”

Người Pháp chọn chợ Tân An của làng Tân An làm tỉnh lị Cần Thơ. “Châu Thành sở tại Tân An” thì châu thành Cần Thơ là làng Tân An, tức khu Ninh Kiều bây giờ

Sau đó Pháp lập quận Châu Thành tỉnh Cần Thơ làm trung tâm. Sang thời VNCH đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh, tỉnh lị là Cần Thơ, Tân An vẫn là trung tâm nhưng ít nghe nhắc tên

Vĩnh Long cách Cần Thơ 43 km

Viết ra để nói là cái khoảng cách Cần Thơ và Long Xuyên 61 km là vô tình thôi, không có tính toán

Ngày xưa thời Nguyễn đô thị vùng Sóc Trăng là Bãi Xàu (Mỹ Xuyên) chứ không phải Tp Sóc Trăng (làng Khánh Hưng) ngày nay

Nơi đất làng Khánh Hưng sau nầy là tỉnh lị của tỉnh Sóc Trăng, nay là thành phố Sóc Trăng

Sốc Trăng có bốn cái chợ lâu đời nhứt là chợ Châu Thành của làng Khánh Hưng, chợ Bãi Xàu của làng Mỹ Xuyên, chợ Bố Thảo làng Mỹ Tú, chợ Đại Ngãi ở Vàm Tấn

Thương cảng Bãi Xàu (Chợ Cũ Mỹ Xuyên nay) là một thương cảng quốc tế sầm uất nhứt đất Nam Kỳ, Sài Gòn lúc đó xếp ve trước Bãi Xàu

Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867, Pháp liền nạo vét kinh rạch để phục vụ quân sự và vận chuyển lúa gạo về Sài Gòn xuất cảng

Trước đó do rạch Bãi Xàu vốn nhỏ hẹp, lại giáp nước nên phù sa lắng đọng lâu ngày khiến lòng rạch cạn dần nên năm 1877 Pháp cho đào kinh Saintard nối sông Hậu với phần ngọn của rạch Bãi Xàu để thay thế rạch Bãi Xàu cũ vốn bị cạn lấp

Pháp lập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh lị là làng Khánh Hưng (Tp Sóc Trăng)

Thực tế Cần Thơ cách Tp Sóc Trăng là 64 km

Trừ Châu Đốc, Hà Tiên, Vĩnh Long, Mỹ Tho là có từ thời Nguyễn. Còn lại các đô thị Miền Tây đều do người Pháp chọn và hoạch định

Thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang bố trí quanh các con sông – ảnh tuoitre.vn

Tại sao Miền Nam ngày nay có rất nhiều huyện Châu Thành?

Các tỉnh lị các tỉnh đều nằm trên đất châu thành một cái làng, thường là ở mé sông hoặc ngã ba sông

Tỉnh lị Rạch Giá đặt trên một cù lao vốn là đất của làng Vĩnh Hòa, sau Pháp nhập 4 làng Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa, Thanh Lương và Vân Tập lại thành làng Vĩnh Thanh Vân

“Vui tình hứng cảnh xứ Kiên Giang

Dâu bể đổi đời khéo sửa sang

Chánh bố đường, lầu đài tráng lệ

Vĩnh Thanh Vân phố xá nghiêm trang

Chôn bùn ngọn bút ngời màu chữ”

(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca)

Châu thành Bến Tre là làng An Hội. Châu thành Vĩnh Long là làng Long Hồ , sau đó cắt phần chợ ra nhập vô làng tỉnh lị Long Châu

Tỉnh lị tỉnh Biên Hòa, châu thành Biên Hòa là làng Bình Trước. Châu thành Mỹ Tho đặt tại làng Điều Hòa

Thời Pháp thuộc, tỉnh Sa Đéc có châu thành là làng Vĩnh Phước và sau đó 6 làng Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Hưng, Tân Phú Đông, Vĩnh Phước và Hòa Khánh nhập lại thành một làng lấy tên là Tân Vĩnh Hòa

Châu Thành Sa Đéc là làng Tân Vĩnh Hòa vừa đóng vai trò là quận lị quận Châu Thành và là tỉnh lị tỉnh Sa Đéc

“Đèn Vĩnh Phước ngời hình nguyệt chói

Cồn Tân Qui nổi dạng cù đoanh”

Tỉnh Châu Đốc có châu thành tỉnh lị đặt tại làng Châu Phú

“Tốt thay Châu Phú thôn hương

Miễu chùa nhà việc phô trương kĩ càng”

Thời Pháp thuộc, châu thành tỉnh Long Xuyên đặt tại làng Mỹ Phước

Châu thành Sóc Trăng đặt tại làng Khánh Hưng. Trong bài thơ Sóc Trăng của “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” ông Nguyễn Liên Phong không ghi Khánh Hưng mà ghi Nhâm Lăng

“Nhâm Lăng sở tại châu thành

Phố nhà chợ búa lịch thanh chỉnh tề”

Địa danh Nhâm Lăng ngày nay chỉ còn cái chợ Nhâm Lăng

Tỉnh lị Trà Vinh đặt tại làng Long Đức

Tỉnh lị Gò Công đặt tại làng Thành Phố, vốn là hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi

Tỉnh lỵ Tân An (Long An) đặt tại làng Bình Lập

Châu Thành tỉnh Gia Định là làng Bình Hòa khu Bà Chiểu

Châu thành Bình Dương là làng Phú Cường. Châu thành Bà Rịa là làng Phước Lễ. Châu thành Tây Ninh đặt tại làng Thái Hiệp Thạnh

Ngày nay tại các tỉnh Miền Nam, huyện Châu Thành là huyện bao quanh thành phố tỉnh lị của một tỉnh,đất này là đất đô hội không thua gì thành phố

Huyện Châu Thành hiện nay ở Miền Nam khí thế,sơ sơ ở Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đều có huyện Châu Thành

Dông dài rồi, xin trở về đề tài đang nói

Phản bác cái “60km” mè!

  • Mỹ Tho cách Cao Lãnh 88 km
  • Mỹ Tho cách Gò Công 35 km
  • Mỹ Tho cách Sài Gòn 71km
  • Mỹ Tho cách Bến Tre 16 km
  • Cao Lãnh cách Sa Đéc 23 km
  • Sa Đéc cách Vĩnh Long 27 km
  • Vĩnh Long cách Trà Vinh 65 km
  • Hà Tiên cách Châu Đốc 90 km
  • Hà Tiên cách Rạch Giá 88 km
  • Cà Mau cách Rạch Giá 127 km
  • Cà Mau cách Bạc Liêu 66 km

Kết luận:

Chuyện con nước, tính toán nước ròng nước lớn, nước nhảy, nước lên thuỷ triều của ghe thương hồ, của ông bà Miền Nam xưa là có thiệt

Nam Kỳ có diện tích chừng khoảng 40.000km2, nhưng có tổng chiều dài kinh rạch đến gần 5.000km, xứ sông rạch chằng chịt, xóm làng bên kinh,chợ lớn chợ nhỏ bên sông, ghe thương hồ ra vô đậu đen nghẹt bến

Cả đời thương hồ gạo chợ nước sông, linh đinh bốn cõi sóng cuốn muôn nơi, ngược xuôi mê mải chèo chống cả đời, ăn ở đều trên chiếc ghe, sông nước là bạn tri kỷ, ” Gạo chợ, nước sông, củi đồng, nồi đất “

“Con nước ròng thế kỷ đã qua

Thuở con còn khóc hò ơ tiếng tù và

Nằm trên gối mẹ trong mùng vá

Hò ơ khói ấm xông lên, hò ơ ấm mái nhà”

Dân Nam Kỳ vui lắm, ưa sông nước, cất nhà hay de ra mé sông hóng gió cho mát, kế bên có cái cầu làm bằng ba miếng ván buộc sẳn cái xuồng ba lá

Bạn để ý,thành phố, thị tứ, chợ búa, khu dân cư phồn thạnh Nam Kỳ đều dựa mé sông. Thâm chí mấy con lộ lớn nhỏ đều cặp mé sông

Người Nam Kỳ không thể sống thiếu sông,thiếu nước, thiếu nó là mình sẽ hết văn minh, cũng như thiếu phù sa thì Nam Kỳ chết chắc

Ông bà mình cất chợ ở những vùng đất giồng cao, và gần mé sông để ghe ra vô cho dễ

Nhưng nói về nhìn con nước, thuỷ triều mà có chợ, có đô thị tỉnh lị thì chưa chính xác. Thí dụ cái “chỗ giáp nước” mà tôi sẽ kể sau đây:

Nam Kỳ mình hay nói chỗ giáp nước, có địa danh luôn như cầu Giáp Nước ở Tân Lộc Vĩnh Long

Giáp Nước là gì? Là chỗ giao nhau của hai dòng nước

Thí dụ sông Vàm Nao nối giữa sông Tiền và sông Hậu thì chổ giáp nước của nó là đoạn giữa, mà rất xoáy do hai dòng nước dữ đổ về

“Núi Sập sấm rền vang tiếng mũi

Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”

(Bùi Hữu Nghĩa)

Giáp nước có hai loại:

  • Nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại
  • Nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy

Hiền hòa thì có giáp nước kinh Thủ Thừa là cái đoạn chợ Thủ Thừa. Kinh Thủ Thừa là con kinh nối giữa Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Xưa nơi đây hoang vu,vì là giáp nước nên ghe tàu hay đậu chờ nước bớt mà đi, chợ Thủ Thừa có từ đó

Chỗ giáp nước của kinh Bảo Định là gần chợ Bến Tranh

Chỗ nào có giáp nước có ghe tàu đậu nhiều là ở đó có chợ

Trong cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:

“Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chợ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau.

Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – Nguyễn Hiến Lê

Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy”

Sơn Nam miêu tả đặc điểm ở một xứ sông nước có nhiều lục bình:

“Dông dài lắm. Chỗ này kêu là “giáp nước”, do Tây đào kinh xáng gây ra.

Nước lớn phía Cần Thơ dồn qua, nước lớn phía Rạch Giá dồn lại. Hai ngọn nước gặp nhau tại đây. Suốt ngày đêm, nước đứng tại chỗ. Xa biển, ngoài biển vừa ròng, thỏm nỏm, chưa rút hết thì đứng lại, rồi nước lớn.

Bởi vậy, từ mấy chục năm rồi, nó sanh đẻ tại chỗ, dày bịt, quy tụ nào xác chó, rắn nước, cá tôm. Giống như cái trấp ở U Minh, trên mặt cứng, phía dưới nước lõng bõng, coi như bơi xuồng được, nhưng rốt cuộc là chịu thua, sa lầy.” (“Vẹt lục bình”“Biển cỏ Miền Tây”)

Nói chung giáp nước trên kinh rạch thì hiền, có khi lững lờ nước chảy rất chậm nên lục bình đọng lại thành dề, hiền hòa .Và giáp nước sông lớn sùng sục nước xoáy

Nổi tiếng không thua Vàm Nao là Vàm Bao Ngược

Vàm Bao Ngược là đoạn sông Vàm Cỏ khúc cầu Mỹ Lợi giữa Cần Đước và Gò Công

Đoạn này giáp nước tới 3 con sông,sông vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ Bần Quỳ trổ xuống , kinh Chợ Gạo từ Mỹ Tho chảy xuống hợp với sông Tra từ rạch Gò Công trổ ra, từ sông Soi Rạp vô ,thành ra ác chiến

Vàm Bao Ngược thường có sóng lớn vào buổi chiều, thường gây ám ảnh cho các ghe thương hồ lục tỉnh.

“Anh đi ghe lúa Gò Công

Vô vàm Bao Ngược, bị giông đứt buồm”

Xưa ghe thương hồ đi đường sông từ Bến Bình Đông ở Sài Gòn , bến Cầu Ông Lãnh trổ xuống Phú Định ra Vàm Cỏ Đông theo kinh Thủ Thừa trổ ra về Miền Tây thế nào cũng phải ngừng nghỉ ở chờ con nước ở Chợ Đệm

Chợ Đệm có Bối Ba Cụm được giang hồ Bình Điền, Bến Lức,Chợ Đệm, tỉnh Chợ lớn truyền tụng

Thiệt ra tên nó là Ba Cụm

Ba Cụm nằm ở đoạn giáp nước sông Chợ Đệm, nơi nước từ Bến Lức chảy lên, từ sông Rạch Cát Phú Định chảy xuống,hai con nước lớn và ròng đụng nhau nên xuồng ghe đậu lại đây chờ con nước rất đông

Ăn trộm cũng phát sinh từ đó, bối là ăn trộm, Bối Ba Cụm

Cho nên bạn chèo theo nước lớn vô Ba Cụm, phải canh làm sao cho khi vừa tới chỗ giáp nước, thì nước phía bên kia cũng ròng đặng chèo đi luôn cho nhẹ, nán lại là mất của

Chợ Đệm hình thành cũng từ ghe chèo này, các ghe ghé lại mua đệm may buồm, mua bao cà ròn, mua nóp

Nam Kỳ có một chỗ giáp nước rất nổi tiếng nằm ở ngoài biển Vũng Tàu

Đó là chỗ giao nhau giữa sông Xoài Rạp và Biển Đông, dòng nước ở đây một bên đục một bên xanh trong, cái chỗ này ngư dân Cần Giờ hay giong ghe ra cúng Nghinh Ông hàng năm.

Trên “đoạn giáp nước” ở khắp Miền Nam có các chợ, nhưng đâu có chợ nào là đô thị tỉnh lị được người Pháp chọn

Bãi Xàu Sóc Trăng cũng là chỗ giáp nước

Rạch Giá có chợ, sát bên là Rạch Sỏi cũng có chợ rất lớn, có cách nhau 60 km đâu

Xin đừng tự ý lấy cái con số 60 km giải thích cho con nước. Nếu tính chính xác ra con nước thì không có con số 60 km trơn tru như ông Tuấn đã đưa ra

Làm gì có chuyện như ông Tuấn nói kiểu “Châu Đốc cách Long Xuyên 60km, Long Xuyên cách Cần Thơ 60km, Cần Thơ cách Sóc Trăng 60km, Sóc Trăng cách Bạc Liêu gần 60km và Bạc Liêu lại cách Cà Mau cũng khoảng 60km?” (nguyên văn)

Thực tế Cần Thơ cách Tp Sóc Trăng là 64 km, Sóc Trăng cách Bạc Liêu 54 km, Cà Mau cách Bạc Liêu 66 km

Thực tế Long Xuyên cách Cần Thơ 61 km, từ Châu Đốc đi Long Xuyên có 57 km thôi.

Nguyễn Gia Việt